Bổ nhiệm cán bộ: Quy trình có vấn đề?
Trong các trường hợp khi bị phát hiện, tiến hành kiểm tra, đều kết luận “đúng quy trình”. Phải chăng quy trình trong công tác cán bộ có vấn đề?
Thời gian gần đây, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước bất bình về một số trường hợp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương bổ nhiệm một cách bất thường con em, người nhà mình vào các vị trí trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, các trường hợp khi bị phát hiện, tiến hành kiểm tra, đều kết luận “đúng quy trình”. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, phải chăng quy trình trong công tác cán bộ có vấn đề?
Các nhà khoa học, cán bộ đảng viên và người dân đều tin tưởng những quy trình về công tác cán bộ của Đảng, nhà nước ta như trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đều rất chặt chẽ, khoa học. Vậy nên, vấn đề ở đây là những người vận hành quy trình đó đã gặp phải những tác động làm sai lệch quy trình; hoặc chính người vận hành đã cố tình làm sai lệch quy trình để giành lợi ích cá nhân, lợi ích cho một nhóm người, chứ không phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích cho quốc gia dân tộc.
Ảnh minh họa: Internet
Là người nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy khoa học tại Trường Đại học Cần Thơ, PGS.TS Lê Phước Lộc khẳng định, quy trình trong khoa học tự nhiên là những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về tuần tự thao tác để cho ra sản phẩm cuối cùng theo ý muốn. Tuy nhiên, trong khoa học xã hội, mà công tác cán bộ thuộc lĩnh vực này, thì việc thực hiện quy trình luôn chịu sự tác động của các chủ thể vận hành quy trình.
Khi tìm hiểu kỹ về “quan lộ” của một số cán bộ bị phát hiện không đủ tư cách, đạo đức, năng lực làm việc thời gian qua và đối chiếu những nguyên tắc trong vận hành quy trình công tác cán bộ thì PGS.TS Lê Phước Lộc cho thấy, có những vấn đề bất thường.
Chính hoàn cảnh đất nước ta trong những năm tháng chiến tranh, và thậm chí môi trường khắc nghiệt của nhà tù đế quốc lại là nơi đào tạo, rèn luyện và trưởng thành của nhiều cán bộ Đảng, Nhà nước ta. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Lữ (76 tuổi, hơn 50 tuổi Đảng), hiện là Trưởng ban liên lạc toàn quốc Cựu tù binh bị địch bắt, tù đày trong kháng chiến.
Ông Phạm Bá Lữ cho biết, cái Đức của người cán bộ là phải biết lo cho nhân dân, phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng; cái Tài là phải biết vận dụng thực tiễn để tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng phục vụ nhân dân; phong cách cán bộ phải luôn gần dân, đi vào những điểm nóng, giải quyết kịp thời bức xúc cho nhân dân. Hơn nữa, người cán bộ cần có sự khiêm tốn, hiểu dân; có cái tâm trong sáng.
Ông Phạm Bá Lữ cho rằng, để có được đội ngũ cán bộ tốt thì công tác cán bộ của Đảng cần phải đi sâu, đi sát, hội đủ các tiêu chuẩn Trung ương đã đề ra. Ví dụ về vấn đề đức - con người ấy đức độ như thế nào; về trình độ phải được đào tạo căn bản, chứ không phải là đào tạo theo cái kiểu để được đề bạt.
Dư luận cán bộ đảng viên, nhân dân cả nước đang đặt nhiều niềm tin vào quyết tâm của Đảng, của Chính phủ trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm; quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính; chọn người tài chứ không chọn người nhà… Đó là quan điểm của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ trong việc loại bỏ “những con sâu làm rầu nồi canh”, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp thật sự vì dân, vì nước...
Để làm được điều này, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thủy sản thì việc đánh giá năng lực của cán bộ phải bằng những cống hiến cụ thể, bằng những công trình khoa học mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, được mọi người công nhận. Lý lịch và bằng cấp của mỗi ứng cử viên chỉ là điều kiện đủ cho mỗi vị trí lãnh đạo…
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh kiến nghị: tuyển công chức hoặc lên chức đều phải thi tuyển một cách rất là rõ ràng, công khai. Và việc thi tuyển nên có cơ chế độc lập giám sát.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm rất lớn cho công tác cán bộ của Đảng, của đất nước. Người từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm”. Người cũng cảnh tỉnh: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiến hành hiện nay, việc học tập những tư tưởng và phương pháp tổ chức cán bộ của Bác Hồ là đặc biệt quan trọng, để chúng ta có những cán bộ thực sự là công bộc của dân, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, cống hiến cho đất nước.
Theo Huy Sơn/VOV