Nhà tạm giữ thiếu y, bác sĩ theo quy định
Ðây là khó khăn chung mà đơn vị nhà tạm giữ CA một số huyện đang gặp phải, được kiến nghị tại các cuộc kiểm sát về công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, do đoàn kiểm sát liên ngành của tỉnh tiến hành mới đây.
Đoàn kiểm sát liên ngành nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại Cơ quan thi hành án hình sự, CA huyện Tuy Phước.
Trong 2 ngày 22 và 23.9, Viện KSND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiểm sát trực tiếp công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại các cơ quan thi hành án hình sự CA huyện Tuy Phước, Vân Canh và TX An Nhơn.
Đoàn kiểm sát liên ngành ghi nhận, nhìn chung, nhà tạm giữ tại CA các địa phương nói trên đều đảm bảo vệ sinh; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn còn một số thiếu sót, khó khăn, vướng mắc ở các nhà tạm giữ của CA cấp huyện như: Nhà tạm giữ thiếu hạng mục “buồng kỷ luật” theo quy định; chưa có cán bộ y tế chuyên trách để thực hiện việc khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân theo quy chế tạm giữ, tạm giam của Chính phủ… Trong đó, việc thiếu bác sĩ đã tạo áp lực, khó khăn cho cán bộ công tác tại các nhà tạm giữ. Như tại Nhà tạm giữ CA huyện Vân Canh, cán bộ, chiến sĩ phải đưa người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân đến Trung tâm Y tế huyện để khám sức khỏe ban đầu theo quy định, khiến việc tổ chức lực lượng canh gác gặp khó khăn. Còn thượng tá Nguyễn Bá Long, Phó Trưởng CA huyện Tuy Phước, thì kiến nghị: “Theo quy định của Chính phủ, cán bộ y tế tại nhà tạm giữ phải là y sĩ hoặc bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế thì không có y, bác sĩ nào muốn làm việc tại đây hết. Tại Nhà tạm giữ CA huyện Tuy Phước chúng tôi chỉ có điều dưỡng, nhưng điều dưỡng thì lại không đủ khả năng để khám và điều trị bệnh. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh quy định này để phù hợp hơn với thực tế, chứ mỗi khi người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân đau bệnh, phải chở họ đến trung tâm y tế huyện để khám, điều trị thì phải tổ chức lực lượng đưa đi, đưa về, rất khó khăn cho chúng tôi”.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm sát liên ngành cũng kiểm sát việc thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27.11.2015 của Quốc hội khóa XIII về công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại 3 cơ quan thi hành hình sự của CA cấp huyện nói trên.
Kết quả kiểm sát cho thấy, công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ của 3 cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện còn chậm về thủ tục, quy trình; còn phụ thuộc vào đề nghị của UBND cấp xã trong việc đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách của người bị án treo, án phạt cải tạo không giam giữ. Trong khi đó, UBND cấp xã lại chưa thật quan tâm đến công tác này, nên tỉ lệ người được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ được xét rút ngắn thời gian thử thách còn thấp so với tổng số người phải thi hành án.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị nhà tạm giữ, cơ quan thi hành án CA cấp huyện đã tiếp thu các ý kiến, góp ý của đoàn kiểm sát liên ngành, hứa sẽ khắc phục các thiếu sót để làm tốt hơn trong thời gian tới. Đoàn giám sát cũng ghi nhận kiến nghị của các đơn vị, cho biết sẽ xem xét, giải quyết các nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền và chuyển lên cấp trên những ý kiến còn lại.
KIM CHI