Quản lý, phát triển giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh:
Sẽ chú trọng hoạt động du lịch biển
Ðây là một trong những định hướng về quy hoạch, quản lý giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh của ngành GTVT nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch biển đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ông Ðặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, đã trao đổi thêm với PV về vấn đề này.
Khách tham gia một tour du lịch biển tại xã Nhơn Lý (Quy Nhơn) bằng ca nô.
Trước đó, ngày 19.9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3299/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép và quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở GTVT là đơn vị cấp giấy phép hoạt động và cấp lại giấy phép hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17.10.2014.
* Thưa ông, kết quả kiểm tra mới đây của Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh cho thấy còn nhiều bất cập, chỉ 1/16 điểm đón trả khách có giấy phép hoạt động (Khu Du lịch sinh thái Hầm Hô, huyện Tây Sơn). Phải chăng Quyết định trên được ban hành là nhằm chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?
- Thực ra, Quyết định được ban hành là kết quả thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình đảm bảo trật tự ATGT đường thủy. Trên cơ sở đó, Sở GTVT rà soát các văn bản của Bộ, ngành Trung ương tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định.
Trong số 16 điểm đón trả khách nêu trên chỉ có một số là điểm đón trả khách ngang sông phục vụ cho dân sinh theo nhu cầu tự phát là chính. Các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, CSGT đường thủy kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt, lập biên bản đình chỉ hoạt động các điểm đón trả khách không phép và bàn giao cho chính quyền địa phương cấp xã theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, lâu nay công tác quản lý hoạt động của các bến đó ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư; cũng chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hoạt động này một cách bài bản vì thấy không có lợi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động du lịch biển tự phát phát triển mạnh, nhất là trên địa bàn Quy Nhơn. Một số tổ chức, cá nhân tự đứng ra tổ chức các tour du lịch đưa khách đến Hòn Sẹo, Kỳ Co, Bãi Dứa... thuộc các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải để tham quan và lặn biển. Do đó, đã đến lúc cần thiết phải có quy hoạch các bến thủy nội địa đáp ứng cho sự phát triển du lịch biển của tỉnh trong hiện tại cũng như trong tương lai. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Sở GTVT lập Đề án quy hoạch phát triển giao thông thủy nội địa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch biển, nhất là ở địa bàn TP Quy Nhơn.
* Vậy thì hướng phát triển sẽ như thế nào thưa ông?
- Còn quá sớm để có thể nói rõ ràng và chi tiết vì hiện nay Sở GTVT còn đang làm Đề án. Tuy nhiên, khái quát mà nói, Quy Nhơn sẽ có những bến thuyền du lịch đi và đến thuận lợi cho khách. Chẳng hạn như bến đi sẽ ở các khu vực thuận lợi và quen thuộc như cảng cá Quy Nhơn, đầm Đống Đa, Quy Hòa... số lượng bến tàu sẽ tùy theo từng giai đoạn mà phát triển. Còn bến đến sẽ có ở đảo Nhơn Châu và các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý. Có thể chính quyền địa phương sẽ đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa xây dựng các bến thuyền du lịch đón trả khách đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định. Hiện tại, đã có hai nhà đầu tư xin đăng ký làm bến thuyền du lịch tại đầm Đống Đa và tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở phường Đống Đa, Quy Nhơn.
* Vậy lúc ấy những cá nhân lâu nay hoạt động đưa đón khách nhỏ lẻ, tự phát sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
- Thì họ cũng sẽ phải vào bến thuyền như giao thông đường bộ. Đủ điều kiện mới được hoạt động, nếu không sẽ bị xử phạt như nạn xe dù, bến cóc. Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý dễ dàng hơn và đưa hoạt động đưa đón trả khách du lịch biển vào quy củ.
* Cảm ơn ông!
THU HÀ (Thực hiện)