Vài điều cần biết về viêm xoang do nấm
Viêm xoang do nấm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, các đối tượng dễ mắc bệnh là những người thường tiếp xúc với đất như nông dân, công nhân ở các nông lâm trường; người tiếp xúc với ngũ cốc trong các kho chứa lương thực, thực phẩm, kho hàng hóa chứa thảm, len hay rơm rạ, phân các loại gia súc, gia cầm, sản phẩm nông lâm nghiệp. Hoặc bệnh nhân mắc các bệnh viêm tắc lỗ thông mũi xoang do viêm xoang mạn tính, polyp mũi xoang, dị vật trong mũi xoang... Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, bệnh tiểu đường, mắc các bệnh về máu, dùng thuốc corticoid kéo dài, dùng kháng sinh phổ rộng, điều trị bằng hóa chất... cũng bị bệnh.
Viêm xoang do nấm có 2 thể bệnh là thể thông thường và thể xâm nhập. Thường gặp viêm xoang do nấm ở thể thông thường. Bệnh thường biểu hiện âm ỉ như đau đầu 1 bên, ngạt tắc mũi 1 bên, chảy mũi đục hôi tanh 1 bên đôi khi chảy máu khạc đờm hôi. Khi thăm khám bằng nội soi thấy khe mũi nề, ứ đọng dịch màu xanh nâu bẩn. Chụp cắt lớp vi tính thấy 1 hay nhóm xoang mờ, có hình ảnh lắng đọng vôi trong lòng xoang, lấy dịch tiết của xoang soi tươi hoặc nuôi cấy thấy có các bào tử nấm đang nảy chồi.
Đáng chú ý, nếu bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách (như tự mua thuốc kháng sinh điều trị) không những không diệt được nấm mà còn tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh. Muốn điều trị sớm bệnh lý viêm xoang do nấm, bệnh nhân cần được thăm khám sớm khi có các biểu hiện như ngạt mũi, chảy mũi, đau đầu 1 bên...
Viêm xoang do nấm có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Dùng thuốc diệt nấm tùy theo giai đoạn của bệnh và thường phải phối hợp nhiều loại thuốc. Đối với khối nấm trong xoang phải được lấy ra, bơm rửa sạch lòng xoang. Nhưng với những khối nấm lớn, vẫn cần phải điều trị bằng phẫu thuật thông thường.
Để bệnh lý viêm xoang do nấm không tái phát, những người lao động trong môi trường có nấm mốc phải có khẩu trang phòng hộ. Sau buổi lao động cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Mặt khác, nấm xâm nhập chủ yếu qua đường hô hấp, vì thế để phòng bệnh, mọi người nên thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người như chợ, siêu thị, bến tàu xe, trường học, tụ điểm du lịch... để tránh hít phải nấm. Cần thường xuyên lau chùi nhà ở, phòng làm việc, lớp học... giúp loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc gây bệnh. Thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ vật, ngoại cảnh để tránh lây lan nấm mốc.
Nấm xâm nhập cơ thể thường có giai đoạn nằm im chưa gây bệnh. Chúng chỉ gây bệnh ở mũi xoang khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, bị bệnh nhiễm khuẩn, dùng nhiều kháng sinh... Do đó, cần lấy ngay dị vật trong mũi xoang, cắt polyp, khối u hoặc những dị hình khác... để tránh gây bít tắc xoang.
BS. HOÀNG THỊ THANH BÌNH