Lấn chiếm đất rừng dương hành lang tỉnh lộ 639 xây nhà trái phép:
Trách nhiệm xử lý thuộc về ai?
Gần đây, nhiều người dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) ngang nhiên lấn chiếm một số diện tích đất rừng dương thuộc hành lang tỉnh lộ 639 nằm trên địa bàn thôn Huỳnh Giản Bắc và thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) để xây dựng nhà ở trái phép.
Nhà ở xây trái phép trong khu vực rừng dương ven biển ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh thuộc phạm vi hành lang tỉnh lộ 639.
“Làm liều” vì... khó khăn?
Theo UBND xã Phước Hòa và xã Cát Chánh, từ năm 2014 đến nay, có 17 trường hợp xâm lấn, chiếm dụng đất rừng dương nằm trong hành lang tỉnh lộ 639 để xây dựng nhà ở trái phép, với diện tích từ 20 - 150 m2/ trường hợp. Trong đó, có 12 trường hợp xây trên đất thuộc thôn Huỳnh Giản Bắc, 5 trường hợp trên đất thôn Phú Hậu. Các đối tượng xâm lấn đều là người dân thôn Huỳnh Giản Bắc.
Sau khi phát hiện, chính quyền 2 xã Phước Hòa và Cát Chánh đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ xây dựng công trình, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ. Tuy nhiên đến nay, chưa có trường hợp nào tự nguyện tháo dỡ; chính quyền địa phương cũng không cưỡng chế.
Việc những ngôi nhà này vẫn tồn tại khiến không ít người dân bất bình. Ông P.H.T. (ở xã Cát Chánh) bức xúc: “Những ngôi nhà này vẫn tồn tại dù chính quyền địa phương đã lập biên bản đề nghị ngừng xây dựng và buộc tháo dỡ. Phải chăng, việc kiểm tra, lập biên bản chỉ làm chiếu lệ?”.
Ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, lý giải: “Người dân lấn chiếm đất rừng dương cất nhà trái phép là do khó khăn về chỗ ở. Nhà chật, người đông nên họ “liều” ra rừng chiếm đất cất nhà, bất chấp pháp luật. Cứ xây nhà để ở cái đã, khi nào bị cưỡng chế mới hay”. Ông Phan Đình Cảnh, cán bộ địa chính xã Cát Chánh, cũng cho rằng, 5 trường hợp xây nhà trái phép trên đất thuộc thôn Phú Hậu cũng do khó khăn về chỗ ở. Vì vậy, xã mới dừng ở mức kiểm tra, lập biên bản vi phạm, rồi cho tạm tồn tại, chứ lâu nay, chưa thực hiện cưỡng chế tháo dỡ trường hợp nào (!?)”.
Xử lý: Xã “chờ ” huyện, huyện “chỉ” xã?
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, nhìn nhận: Sự phối hợp giữa 2 địa phương và ngành chức năng chưa đồng bộ nên khó xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, hầu hết người lấn chiếm đều khó khăn về chỗ ở, nếu quyết liệt cưỡng chế thì họ không còn nơi nào khác để ở.
“Xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Tuy Phước về các trường hợp vi phạm để xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Quan điểm của chúng tôi là sẽ kiên quyết xử lý, nhưng thời gian cụ thể để thực hiện cưỡng chế thì chưa biết. Trước mắt, xã xin ý kiến huyện tạm cho tồn tại với những trường hợp đã xây nhà xong (!). Đồng thời, xử lý kiên quyết với những trường hợp lấn chiếm mới” - ông Nhâm nói thêm. Còn UBND xã Cát Chánh cũng có báo cáo, xin chủ trương UBND huyện Phù Cát để xử lý các trường hợp vi phạm theo trình tự pháp luật.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước đều yêu cầu UBND 2 xã Cát Chánh và Phước Hòa đóng vai trò “chủ công” trong xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phù Cát và ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, đều cho rằng: Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng để xây dựng nhà ở đã được UBND huyện giao cho Chủ tịch UBND các xã thực hiện theo đúng thẩm quyền quy định, nhưng địa phương lại xử lý chưa rốt ráo, để nhà trái phép tồn tại. Sắp tới, UBND 2 huyện sẽ kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch UBND 2 xã Phước Hòa và Cát Chánh thực hiện nghiêm việc xử lý.
Như vậy, về phân cấp quản lý, cấp huyện đã giao cấp xã “chủ công” trong xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây nhà trái phép trên địa bàn; nhưng xã vẫn “xin chủ trương, chờ hướng xử lý” từ cấp huyện. Vậy nên, việc xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất rừng dương để xây dựng nhà ở 2 địa phương trên xem ra còn kéo dài.
Nếu xử lý thiếu kiên quyết, việc “mọc” thêm những ngôi nhà trái phép khác trong phạm vi rừng dương thuộc hành lang tỉnh lộ 639 là khó tránh khỏi.
CÔNG LUẬN