Nhiều đoạn bờ đê bị hư hại, đe dọa an toàn khu dân cư: Đến hẹn... lại lo
4 năm trở lại đây, cứ vào mùa mưa là hàng trăm hộ dân ở xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) sống trong vùng trũng ven bờ đê dài 1.200m từ Bến Đá (thuộc thôn Thanh Giang) đến Cầu Dừa (thôn Thanh Danh) lại sống trong thấp thỏm, lo âu. Bởi lẽ, chân đê liên tục bị dòng nước sông Văn Lãng (một nhánh của sông Côn) khoét sâu, tràn qua bờ gây lụt nhà dân. Người dân cũng không dám liều lĩnh qua lại trên mặt đê rộng 1 m bị sạt lở nên đành chịu cảnh cô lập.
Gần 200 m đoạn đê xung yếu thuộc bờ Bắc của Bờ Bạn Cây Xoài trên tuyến TX7 (thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Theo UBND xã Nhơn Phong, nạn sạt lở bờ đê hàng năm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 200 hộ dân, gây sa bồi thủy phá 5 ha đất sản xuất và ngập úng 50 ha đất sản xuất ở 3 thôn: Thanh Giang, Thanh Danh, Kim Tài. Ông Lương Văn Thanh, cán bộ giao thông - thủy lợi UBND xã Nhơn Phong, cho biết: “Đoạn đê bị hư hại tiềm ẩn đe dọa cuộc sống người dân. UBND xã Nhơn Phong và UBND TX An Nhơn tuy hỗ trợ kinh phí để gia cố tạm thời vài đoạn nhỏ nhưng không đáng kể. Kinh phí xây dựng đê kiên cố vừa để trị thủy vừa làm đường giao thông rất lớn, địa phương không có khả năng”.
Tương tự, gần 200 m đoạn đê xung yếu thuộc bờ Bắc của Bờ Bạn Cây Xoài (thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) thuộc tuyến TX7 dài hơn 3.000 m cũng sạt lở từ 2 năm nay. Trước đây, phía trước bờ đê có bờ đất rộng hơn 4 m, nhưng giờ không còn vì nước đã “ăn” sâu vào tận chân đê. Theo ông Lê Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa, nạn sạt lở đê ảnh hưởng đến cuộc sống của 50 hộ dân, sa bồi thủy phá 10 ha đất sản xuất. Nguy hiểm hơn, trụ điện cao thế nằm sát đoạn đê bị sạt lở nên luôn rình rập nguy cơ mất hành lang an toàn về điện. “Những năm qua may không có lũ, chứ không thì bờ đê bị phá hủy hoàn toàn rồi. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần qua các cuộc họp HĐND cấp tỉnh, cấp huyện việc này”, ông Dũng nói.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), chỉ khoảng 30% chiều dài đê cả tỉnh là đảm bảo an toàn. Còn khoảng 650 ngàn mét đê dọc các sông, nhánh sông bị hư hại, không đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đê điều bị hư hỏng là do nạn khai thác cát, hút cát trên các sông chưa được ngăn chặn kịp thời gây ra hiện tượng nắn dòng chảy làm sạt lở thân đê; chính quyền địa phương còn để người dân xây dựng nhà ở gần chân đê.
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, nói: “Kinh phí để duy tu, sửa chữa hệ thống đê điều rất lớn, nên cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của tỉnh và Trung ương. Tuy nhiên, phải ưu tiên phân bổ kinh phí theo thứ tự, cho địa phương có tuyến đê trọng yếu, nơi tập trung đông dân cư”. Ông Hải cũng khuyến cáo thêm: Chuẩn bị vào mùa mưa lũ, các địa phương cần phải rà soát, kiểm tra, gia cố tạm thời các đoạn đê đã bị hư hại để hạn chế sạt lở, thu gom vật cản trên dòng chảy; cắt cử lực lượng kiểm tra thường xuyên, xử lý nhanh các nguy cơ khó lường liên quan đến đê điều. Ở những nơi có nguy cơ vỡ đê, địa phương cần có phương án di dời dân đến nơi an toàn.
PHÚC LỘC