Cần “luật hóa”!
Tại Hội thảo về chuyên đề “Lạm dụng bia rượu” diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến đã cảnh báo thực trạng lạm dụng bia rượu ở nước ta đã đến mức báo động. “Đàn ông Việt Nam uống rượu bia vào hàng số 1 thế giới”, “Việt Nam là cường quốc sử dụng rượu bia”... là đánh giá của các chuyên gia nước ngoài tại hội thảo cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Và số liệu thống kê cho thấy các nhận định nói trên là hoàn toàn có cơ sở để tin cậy và… lo lắng. Cụ thể, năm 2015 thị trường trong nước đã tiêu thụ 3,4 tỉ lít bia và hàng trăm triệu lít rượu; còn tính trong vòng 5 năm (từ 2010 đến 2015) thì số lượng người Việt Nam uống rượu bia ở mức độ nguy hại tăng gấp đôi, từ 25% lên 44%. Thực trạng đáng lo ngại này đã khiến một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đặt câu hỏi: “Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?”.
Có thể nói việc lạm dụng bia rượu gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với sức khỏe, sự an toàn của bản thân người sử dụng. Trên phương diện xã hội thì đây là tác nhân ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa… Việc lạm dụng bia rượu quá mức, dẫn đến không làm chủ hành vi là nguồn cơn của nhiều tệ nạn tai hại đối với xã hội.
Đó là không ít gia đình trở nên túng quẫn, nghèo đói, con cái thất học không được nuôi dưỡng chu đáo vì cha mẹ nghiện ngập bia rượu. Không ít người đang khỏe mạnh, minh mẫn chỉ vì sa đà vào bia rượu dẫn đến nghiện ngập đã trở thành người mất sức lao động, bệnh nhân tâm thần. Nhiều người tham gia giao thông đã lái ô tô, xe máy trong tình trạng không tỉnh táo vì uống nhiều rượu bia đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.
Đặc biệt, tình trạng thanh thiếu niên sớm sử dụng rượu bia, say xỉn dẫn đến hành vi bạo lực gây nên các vụ trọng án đang là nỗi lo đã đến hồi “báo động đỏ”. Các chuyên gia nghiên cứu đã tính toán rằng số tiền người dân Việt Nam đổ vào bia rượu hàng năm đủ để mua lương thực nuôi sống 21 triệu người; số thì giờ dùng để dành cho các cuộc tiệc tùng uống rượu bia hàng năm vào khoảng cỡ… 1 triệu ngày công. Quả thật, nếu các số liệu trên là chính xác thì có thể nói đó là một sự lãng phí… vô cùng khủng khiếp (!).
Trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực xây dựng quốc gia khởi nghiệp, thì rõ ràng tệ nạn bia rượu chính là lực cản rất lớn bởi nó là tác nhân dẫn đến sự trì trệ, triệt tiêu trí tuệ, tinh thần sáng tạo và sự năng động của một bộ phận lực lượng lao động sung sức nhất. Trong thời gian qua, với nỗ lực hạn chế tác hại của rượu bia, nhiều địa phương, cơ quan, ban ngành trong cả nước đã có nghị quyết, chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc, hạn chế tiếp khách bằng bia rượu… nhưng kết quả không cao, hiệu lực cũng không duy trì được bao lâu đã đi vào… quên lãng. Còn trong đời sống xã hội, hiện nay nạn lạm dụng rượu bia, nhậu nhẹt quá đà đang diễn ra tràn lan khắp nơi, có chiều hướng ngày càng tăng. Dường như lạm dụng bia rượu trong sinh hoạt, giao tiếp đã trở thành một tập quán văn hóa từ chốn thị thành giàu có cho đến các vùng nông thôn, miền núi rất nghèo với vô số khó khăn trong đời sống.
Vì vậy, đã đến lúc cần tiến hành một cuộc vận động chống “Lạm dụng rượu bia” trên phạm vi quốc gia, đồng thời có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt và đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả các hành vi lạm dụng bia rượu quá mức, từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại của nó. Cụ thể là cần “luật hóa” bằng việc ban hành đạo luật phòng chống tác hại của bia rượu như đã làm với thuốc lá.
H.Đ