Ðôi chân của bà
* Truyện ngắn của Hương Văn
Ðôi chân của bà! Ðôi chân từng rong ruổi khắp nẻo để kiếm tiền nuôi bảy đứa con nên người. Tôi đã lớn lên từng ngày bởi lời ru của bà, bởi bàn tay bà nhẹ đưa cánh võng những trưa hè oi ả, bởi đôi thúng bà gánh tôi đi với những bó rau non xanh kịp buổi chợ chiều. Theo đôi chân bà, cánh cửa tâm hồn tôi như được mở toang ra với thế giới chim chích, châu chấu, cào cào nơi cánh đồng quê...
Ông tôi mất sớm. Bà tôi tảo tần vất vả suốt mấy mươi năm. Từ khi ba tôi chưa đầy hai tuổi cho đến lúc xây dựng gia đình, bà mới được ngơi tay chút đỉnh. Nên so với những người bà khác cùng xóm, bà tôi lụm khụm hơn nhiều, đôi chân nhỏ bé luôn bị run và chậm chạp. Ðỡ đần bà những bước đi nặng nhọc là một cây gậy đen chắc. Bà tôi rất quý nó. Không dùng gậy là bà lại cất nó thật cẩn thận.
***
Thời tôi học lớp bảy, phim ảnh còn hiếm hoi. Thích nhất là phim “Tây du ký”. Xem mãi rồi nhập tâm, nhập vai khi nào không hay biết. Chân tay tôi lúc nào cũng ngứa ngáy, múa máy mãi không yên. Bà tôi vẫn khuyên ba mẹ tôi không nên để tôi xem nhiều loại phim này. Ba tôi xua tay, cười: “Trẻ con mà mẹ, phải thế chúng mới nhanh lớn!”.
Vào mùa hè, phim lại chiếu, bọn trẻ xóm tôi lại xem và rủ nhau đóng phim. Bọn tôi vạch ra kế hoạch bày binh bố trận để tạo nên chiến tích. Sáng đó, ăn vội gói xôi mẹ mua cho, tôi chạy biến khỏi nhà. Nhưng quên mất nhiệm vụ làm “gậy thần” để đóng vai tên khỉ Tôn Hành Giả. Ra đến ngõ, sực nhớ, tôi quay về và chạy thẳng đến góc giường của bà lén rút chiếc gậy, không cần nghĩ ngợi gì thêm.
Bọn tôi chơi thật vui, thích thú. Tôi làm sư huynh, dắt “ngựa người” cõng thầy “Tam Tạng” lội qua suối, chống gậy dò nước xem có bất thường gì hay không, rồi leo tót lên cây ổi non nhà thằng Tí, tay đưa lên trán, nheo nheo mắt, chọn những quả thật to. Nhưng eo ôi! Ðứa nào cũng chê chát, không nuốt được. Ngộ Không tôi tỏ sự anh hùng nghi là yêu quái cầm gậy phang liên tục vào cành lá ổi, trái và lá rụng đầy gốc. Nghe tiếng động, mẹ Tí chạy ra. Chúng tôi chạy tháo thân, mất hút sau lũy tre làng. Bắt đầu cuộc hành trình mới. Sấm chớp rồi mưa thình lình kéo đến. Mưa xối xả, trắng trời. Tôi vẫn là kẻ dẫn đường qua ngõ nhỏ, có con chuồn chuồn ướt cánh cũng lấy gậy quạt quạt, rồi đu cả người lên gậy... Bỗng “rắc, rộp”! Chiếc gậy bị gãy làm đôi. Cả bọn cứ tít mắt cười.
Trong lúc miệng tôi còn “tèng tèng, hú hú”, chân nhảy vào sân nhà, thì trước mắt tôi, một cảnh tượng đau lòng diễn ra. Bà tôi đang ngồi ôm chân nhăn nhó, đau khổ. Tôi chạy nhanh đến, hỏi bà làm sao. Bà chỉ vào chân và nói như rên:
- Trời mưa to, nhà lại không có ai, bà vội ra cuốn quần áo vào. Bị trượt chân, đau quá!
Tôi thẫn thờ, bàng hoàng, không nói được câu gì. Da mặt tôi tái mét, người tôi run lên bần bật, hai tay tôi ôm lấy mặt cố giấu đi sự thật. Bà vẫn thẽ thọt:
- Mày vừa mới đi chơi Tôn Ngộ Không về phải không?
Tôi giật nảy mình, ấp úng:
- Dạ thưa bà…
Mọi chuyện hình như bà biết hết. Ðôi mắt bà như nói lên tất cả. Bà chưa kịp hỏi gì thêm, tự nhiên nước mắt tôi từ đâu rủ nhau chảy dài ra hai bên má, ngồi thụp xuống ôm lấy chân đau của bà. Và tôi òa lên, đến nỗi chẳng phân biệt được vị mặn của nước mắt với cái nhạt nhẽo của nước mưa còn nhỏ từng giọt từ mái nhà xuống. Cứ thế, tôi tự kể ra tội của mình. Chưa bao giờ tôi thật thà như vậy…
Lần đầu tiên ba tôi cầm roi đánh tôi. Một trận đòn nhớ đời.
Chân của bà tôi bị bó bột cả mấy tháng trời, vì tuổi già xương giòn nên rất khó lành. Tháo bột ra, chân bà thành tật. Gầy khô lại khập khiễng. Vắng luôn nụ cười móm mém và tiếng gọi cho gà ăn mỗi sớm mai. Tập tành mãi mà bà vẫn chẳng đi đâu xa được. Dù ba tôi đã sắm cho bà chiếc gậy mới, bằng inox, có ba trụ đứng rất vững, nhưng việc di chuyển của bà vẫn thật khó khăn, nhọc nhằn. Chân cứ khum lại, chẳng chịu chạm mặt đất. Cái chân đau ấy như nhắc nhở, thức tỉnh tôi từng ngày.
Năm năm tôi ngồi vào bàn lo chuyện đèn sách là bấy nhiêu năm bóng bà in trên vách, mắt bà luôn dõi theo tôi để trông chừng, nhắc nhở tôi chú tâm học hành. Cho đến tận khuya, bà mới lên giường nằm. Phải mà như dạo trước, tôi sẽ sớm lăn ra ngủ khò hoặc vòi vĩnh bà kể chuyện, hòng lơ nhanh việc học. Nhưng suốt thời gian này, tôi chỉ biết cắm cúi vào sách vở. Phải thật chăm, thật giỏi, phải nghe lời bà. Nhưng chẳng có sự cố gắng nào của tôi có thể giúp bà vơi đi những cơn đau nhức. Nhất là khi đông đến, tiếng rên khe khẽ của bà trong đêm lạnh khiến tôi chẳng thể ngủ yên. Cả ba mẹ tôi cũng nhấp nhổm không kém. Mẹ tôi vẫn hay dùng mọi thứ thuốc ngâm rượu, dầu nóng… xoa cho bà. Tôi cũng lăng xăng giúp mẹ một tay. Chỉ mong bà được nằm êm.
Buổi chiều cuối đông, trời hửng lên một chút nắng hiếm hoi. Bà tập tễnh đến nhà hàng xóm chơi chưa kịp về. Rồi lại mưa rả rích…Tôi qua cõng bà về, nhẹ tênh. Tôi hào hứng:
- Bà muốn đi đâu cháu sẽ cõng bà đi đến đó!
Bà cười, hơi ấm phả đầy trên lưng tôi:
- Cha mày! Bà muốn lên đến tận trời, mày có sức cõng bà nổi không?
Bà tôi vô tình nhắc đến chuyện thần thánh… Chuyện Tây du ký lại hiện ra. Tôi vẫn từng đu gậy của bà bay lên trời mà gây rối Ngọc Hoàng, từng làm gãy cây gậy gỗ của bà, để khiến bà ra nông nỗi này đấy thôi. Lòng dạ tôi đau thốn. Tôi xốc bà lên, gọn, chắc hơn. Vì sợ rơi mất bà. Từng bước đi của tôi rất cẩn trọng. Giống y như khi tôi mới được học mẫu giáo, bà cũng cõng tôi đi như thế này. Ðôi chân dẻo dai. Mội ngày hai lượt, cả đi lẫn về. Tôi vẫn ôm lấy bụng bà thật chặt, hai chân quắp lấy bà. Miệng ri rô hát cho bà nghe những bài hát tôi được cô giáo dạy. “Thằng cháu của bà ngoan lắm, giỏi lắm!”. Hoặc đôi lần tôi nằng nặc đòi bà dẫn ra chợ. Mới đi được nửa đường đã mỏi nhừ chân. Thế là tôi lại giúp bà chuyển rau sang một bên thúng, một bên tôi ngồi gọn lỏn.
Thời thơ ấu của tôi rủ nhau ùa về. Tôi càng thấy day dứt, ân hận. Ðôi chân bà đã mãi mãi không thể lành lặn được nữa. Nào đâu thằng cháu ngoan của bà ngày xưa? Tự nhiên tôi lại ước ao: Giá như bà sống cả đời bên mình, mình sẽ cõng bà đi mãi như thế này… Hoặc mai sau, tôi làm ăn giàu có, tậu hẳn một chiếc ô tô, rồi đưa bà đi khắp nơi. Có lẽ được như vậy lòng tôi sẽ thanh thản hơn!
Gió tây nam vi vút thổi qua ngọn bồ đề nghe ào ào, những cành cây bị rung lắc mạnh, một loạt lá vàng rũ nhàu rơi xuống, xào xạc rủ nhau cuốn về một góc khuôn viên bệnh viện. Hơi nóng hầm hập luồn qua những ô cửa sổ màu xám tro cộng với cái nắng ong ong ngoài trời, mùi clo khử trùng nồng nồng trong phòng bệnh càng làm tăng thêm sự khó chịu, ngột ngạt của mọi người. Bà tôi đang nằm trên giường bệnh. Người gầy tong teo, môi khô rúm, mặc bộ pijama màu xanh nhạt rộng thùng thình, nằm lọt thỏm trên chiếc giường trải tấm drap trắng, những tiếng thở nặng nhọc buông theo dây truyền của bình ô xi. Nhìn thương quá!
Chuyện tôi cùng bà ngồi ô tô là có thật. Nhưng không phải là chuyến xe tôi được chủ động đưa bà rong chơi đi khắp đó đây. Ðó là chuyến taxi mà mẹ tôi gấp gáp gọi tới lúc bà tôi ngã xuống, để đưa bà đến bệnh viện. Lần này, cú ngã là do bà tôi bị bệnh tăng huyết áp. Giữa buổi trưa vắng lặng, bà tôi muốn ra vườn dạo một lúc, nhưng lại ngã ngay ở bậc thềm. Miệng bà ú ớ, đầu lưỡi cứng đơ. Chân tay bà lạnh toát. Bà bị tai biến rồi.
Tôi bước vào buồng bệnh, lo lắng từng giây phút. Sợ bà sẽ không qua khỏi cơn nguy kịch. Ba mẹ tôi cứ tất tả làm theo y lệnh của người bác sĩ già. Ðôi chân bà vẫn khum khum, cong quẹo. Tôi hết xoa nắn chân này đến chân kia, nhưng mãi chúng chẳng chịu thẳng ra. Tay bà cục cựa. Tôi nắm lấy tay bà, run rẩy, lệ đã ứa ra nhưng không cho phép bật thành tiếng khóc. Bà khẽ mở mắt nhìn tôi, giọng yếu ớt:
- Bà mệt lắm. Nhưng cháu của bà phải thi đậu đại học, bà sẽ rất vui!
Bà ơi! Bao nhiêu năm trôi qua rồi? Ðôi chân của bà dẻo dai, bền bỉ… Ðôi chân khập khiễng với những cơn đau nhức hành hạ. Rồi đôi chân ấy cũng đã thẳng ra. Nhưng vào chính lúc bà vĩnh viễn rời xa cháu…
Tôi đứng lặng nhìn lên di ảnh bà. Khói hương đang nghi ngút tỏa. Chưa bao giờ tôi thấy nụ cười của bà rạng rỡ, tươi vui như lúc này. Cháu của bà nay đã thành danh trở về đây. Cháu đã làm đúng di nguyện của bà, bà ạ! Có phải chính bà đã luôn dõi theo phù hộ cháu không?
Tôi quên thấm những giọt mồ hôi mằn mặn chảy từ trán xuống chan vào hàng nước mắt, mải nhìn bà cười và thấy lòng thật ấm áp. Ngỡ bà đang từ cõi linh thiêng bước về rất nhẹ!
HƯƠNG VĂN