Trông gần, nghĩ xa!
1. Trong những ngày vừa qua tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ đã xảy ra tình trạng ngập úng nặng nề do phải hứng chịu những cơn mưa được xếp vào hàng... “lịch sử”. Hình ảnh những chiếc xe hơi ngập tới nóc, xe máy bị cuốn trôi và những dòng người ngụp lặn trong dòng nước đen cuồn cuộn chảy xiết, không mấy ai nghĩ cảnh tượng đó lại diễn ra ở đô thị lớn và hiện đại nhất của cả nước.
Bên cạnh yếu tố khách quan là tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu thì các vấn đề như công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông bất cập... chính là các nguyên nhân chủ quan của tình trạng cứ mưa lớn là ngập lụt gây thiệt hại và làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Mặc dù nước ta là quốc gia thuộc nhóm chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng dân cư ở nước ta cũng chưa thật sự đầy đủ. Chính vì thế, cần phải hình thành ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, kể cả trong công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và cả thiệt hại về người, tài sản trước những diễn biến rất phức tạp, thất thường về thời tiết như hiện nay.
2. Cũng trong những ngày gần đây, một số vụ tai nạn thương tâm, gây chết người do các phương tiện thô sơ chở hàng hóa tham gia giao thông trái quy định khiến dư luận xã hội vô cùng hoang mang, bức xúc… Mặc dù trên thực tế lộ trình quản lý xe thô sơ đã có từ nhiều năm trước, nhưng đến thời điểm này nhiều địa phương vẫn lúng túng. Một trong những lý do hết sức nhạy cảm của sự lúng túng này là đối tượng sử dụng phương tiện xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh thường là những người dân nghèo. Đây là đối tượng rất dễ tổn thương nếu địa phương không thực hiện tốt các quy định về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện hoặc nghề nghiệp. Hậu quả của sự quản lý lỏng lẻo này là đã xảy ra các vụ tai nạn thương tâm mới đây khiến dư luận lại “dậy sóng”. Và, thế là một lần nữa công tác quản lý hoạt động đối với các phương tiện “hung thần trên đường” lại được siết chặt để các tai nạn thương tâm không tái diễn.
3. Gần đây, tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm và phản ứng của dư luận cũng là một đề tài khá nóng, xuất hiện dày trên các phương tiện truyền thông và lan tỏa rộng trong dư luận xã hội. Đây là điều tất yếu vì một khi môi trường sống bị ô nhiễm thì không chỉ cuộc sống bị đảo lộn, chất lượng sống suy giảm mà các hoạt động kinh tế, đầu tư… cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chuyện mùi hôi từ bãi rác Đa Phước ở TP Hồ Chí Minh khiến khu đô thị “nhà giàu” Phú Mỹ Hưng trở nên mất giá, thị trường bất động sản ở khu vực này có dấu hiệu đình trệ là bằng chứng thuyết phục cho hệ lụy tai hại về nhiều mặt của vấn nạn môi trường bị ô nhiễm.
Ở một góc nhìn khác, với khu vực nông thôn hiện nay, thực trạng đáng buồn mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là các loại rác và chất thải đủ loại có mặt ở khắp mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ chợ đến ven đường, từ bờ ruộng cho đến sông, suối… Đây là hệ quả của việc nhận thức về vấn đề môi trường chưa “đến nơi đến chốn” của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân. Tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường vẫn đang là bài toán khó trong phát triển kinh tế và giữ gìn, bảo vệ môi trường sống an lành cho mọi người.
Trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị, trong đó nêu rõ bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân. Trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhất là về đánh giá tác động môi trường, xử lý nước thải, giám sát hoạt động xả thải…
4. 3 vấn đề dư luận “nóng” nêu trên gần như ngay tức thì có sự “vào cuộc” khá khẩn trương, quyết liệt của các cấp, ngành có liên quan nhằm cải thiện tình hình. Việc chỉ đạo tăng cường quản lý, lập lại trật tự, xử lý nghiêm vi phạm… là cần thiết nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
Trông gần để nghĩ xa. Các nổi cộm về môi trường, an toàn đã xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác cũng có thể xảy ra với Quy Nhơn, với Bình Định. Vì thế, điều quan trọng và cần thiết là chúng ta cần chủ động phòng tránh, có giải pháp ứng phó để tránh đi vào những vết xe đổ của người khác.
HẢI ÐĂNG