Giải cầu lông trung cao tuổi toàn quốc năm 2016:
Ðộng lực phấn đấu cho những tay vợt phong trào
Như tin đã đưa, Giải cầu lông trung cao tuổi toàn quốc năm 2016 đã khép lại vào tối 28.9 tại TP Quy Nhơn, với ngôi Nhất toàn đoàn thuộc về đơn vị Thái Nguyên. Ðây được coi là cơ hội tốt để nhiều tay vợt Bình Ðịnh có dịp cọ xát, tiếp xúc không khí của một giải đấu phong trào nhưng mang tầm quốc gia.
Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa các tay vợt phía Bắc và VĐV chủ nhà thể hiện khá rõ trong trận chung kết nội dung đôi nam lứa tuổi 36-40.
Giải cầu lông trung cao tuổi toàn quốc năm 2016 diễn ra từ ngày 25 đến 28.9 tại Nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Giải thu hút sự tham gia của hơn 300 VĐV đến từ 22 tỉnh, thành trong cả nước, tranh tài ở 17 nội dung thuộc 7 nhóm tuổi (từ nhóm 36-40 tuổi đến nhóm 66 tuổi trở lên).
Với việc giành được tổng cộng 4 HCV, 2 HCĐ, đoàn Thái Nguyên đã đoạt giải Nhất toàn đoàn; tiếp theo là đoàn Đà Nẵng (3 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ) và đoàn Hà Nội (3 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ). Trong khi đó, dù đã thi đấu hết sức nỗ lực, với sự tham gia của số lượng VĐV đông nhất (68 VĐV), đoàn chủ nhà Bình Định chỉ giành được 3 HCB, 6 HCĐ.
Đánh giá về giải lần này, ông Võ Đình Hùng, chuyên viên Phòng nghiệp vụ TDTT - Sở VH-TT&DL, cho biết: “Ngay từ những trận đấu đầu tiên của giải, có thể nhận thấy rằng lực lượng của nhiều tỉnh thành phía Bắc khá mạnh. Càng đi sâu vào giải, các VĐV càng thể hiện được trình độ chuyên môn tốt, do đó, những VĐV của Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Bình… đều giành được thành tích tốt. Điều đó cho thấy phong trào của các tỉnh này đã rất mạnh trong nhiều năm qua, luôn có lực lượng tốt để tham gia các giải đấu khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, việc thường xuyên được cọ xát với những VĐV mạnh giúp họ nâng cao trình độ, thi đấu hiệu quả hơn so với nhiều đơn vị khác”.
Về phía chủ nhà Bình Định, dù tham gia với lực lượng đông đảo và từng giành được những thành tích khả quan ở các giải trước, nhưng kết quả lần này chưa được như kỳ vọng. Một phần vì chúng ta gặp phải nhiều đối thủ mạnh, phần nữa là vì các VĐV thi đấu chưa đúng sức ở những thời điểm quyết định. Đơn cử như trường hợp đôi VĐV Lê Văn Mỹ - Trà Thị Huệ (đôi nam-nữ lứa tuổi 46-50) được đặt rất nhiều hy vọng giành HCV, nhưng lại chơi dưới sức trong trận chung kết. Niềm hy vọng giành HCV cuối cùng của đoàn Bình Định là Quảng Nhật Nam - Bùi Thế Hưng (đôi nam lứa tuổi 36-40) cũng không thể tạo nên bất ngờ ở trận chung kết trước đôi Bùi Văn Hải - Nguyễn Văn Cường (Bắc Giang).
Xét về khía cạnh thành tích, đây là giải đấu chưa thành công của đoàn Bình Định, khi không giành được bất kỳ tấm HCV nào. Dù vậy, kết quả ở giải lần này cũng chưa phản ánh đúng thực trạng phát triển phong trào cầu lông ở các tỉnh, thành. Bởi đã có tình trạng một số đơn vị gom VĐV giỏi ở các tỉnh khác về thi đấu cho mình. Tuy nhiên, thông qua giải, các tay vợt chủ nhà cũng rút ra được rất nhiều điều, đặc biệt là biết mình đang đứng ở đâu trên “bản đồ” cầu lông phong trào Việt Nam. Việc được đăng cai một giải đấu cấp quốc gia là cơ hội tốt để nhiều VĐV được nếm trải cảm giác thi đấu ở một sân chơi lớn. Bên cạnh đó, nỗ lực của Sở VH-TT&DL cùng Liên đoàn Cầu lông tỉnh trong việc đưa giải về Bình Định cũng góp phần kích thích phát triển phong trào ở địa phương. Bởi những người hâm mộ cầu lông có dịp thưởng thức nhiều trận cầu hấp dẫn, tự rút cho mình những kinh nghiệm, cách đánh để áp dụng trong thực tế.
LÊ CƯỜNG