Quy chế làm việc của Chính phủ
Chính phủ vừa ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Trong đó nêu rõ 5 nguyên tắc làm việc của Chính phủ.
Chính phủ giải quyết công việc thông qua thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ.
Cụ thể, Chính phủ làm việc theo nguyên tắc sau:
1- Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật.
2- Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm. Nếu nhiệm vụ giao cho Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm.
3- Chủ động giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định; cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
4- Thực hiện phân cấp, ủy quyền hợp lý cho chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ; đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
5- Công khai, minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thực hiện nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Chính phủ
Theo quy chế, Chính phủ thống nhất quản lý hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Cách thức giải quyết công việc của Chính phủ là thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ; gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
Chính phủ thảo luận và quyết nghị những vấn đề quan trọng sau đây: Đề nghị của Chính phủ về xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước; tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, 6 tháng, cả năm và những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ thảo luận và quyết nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ; việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; việc thành lập, sáp nhập, giải thể, cơ quan thuộc Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Chính phủ thảo luận và quyết nghị chương trình công tác của Chính phủ hằng năm; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ; những vấn đề mà pháp luật quy định Chính phủ phải thảo luận và quyết nghị; những vấn đề cần thiết khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phương Nhi (Chinhphu.vn)