Điều trị lõm ngực bẩm sinh: Khẳng định ưu thế của phẫu thuật Nuss có nội soi hỗ trợ
Được triển khai tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh từ tháng 8.2013, phẫu thuật Nuss với nội soi lồng ngực hỗ trợ đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị lõm ngực bẩm sinh ở trẻ em. Nhờ đó, đã có 21 bệnh nhi được trả lại cuộc sống khỏe mạnh.
Lúc mới vài tháng tuổi, bé L.M.K. (7 tuổi, ở đường Trần Bình Trọng, TP Quy Nhơn) đã có dấu hiệu bất thường khi vùng ngực lõm xuống. Càng lớn lên, dấu lõm lại càng rõ, ảnh hưởng đến chức năng thở, em hay bị mệt. Tuy nhiên, gia đình còn e ngại, không muốn can thiệp vì sợ em còn nhỏ, không đủ sức chịu được phẫu thuật. Đến tháng 4.2014, K. được các bác sĩ BVĐK tỉnh kiểm tra kỹ, tiến hành phẫu thuật đặt thanh nâng ngực. Đến tháng 5.2016, em được mổ lấy thanh nâng ra. Lúc này vùng ngực bằng phẳng, sức khỏe của em đã trở lại bình thường.
Trẻ mắc bệnh lõm ngực được khám trong chương trình khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh vào tháng 3.2016.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh), biến dạng bẩm sinh của thành ngực có 2 nhóm: ngực lõm và ngực lồi, do sự phát triển quá mức của các sụn sườn. Trong đó, lõm ngực chiếm khoảng 88%, lồi ngực là 5%, phối hợp lồi - lõm ngực là 6%... Tỉ lệ mắc phải lõm ngực là 1/400 - 1/1.000 trẻ sinh sống với các mức độ khác nhau.
Đầu thế kỷ 20, phẫu thuật Ravitch (cắt bỏ sụn sườn 2 bên và một phần xương ức) để điều trị lõm ngực được nhiều người cổ súy, nhưng phẫu thuật này có nhiều tai biến, biến chứng nặng. Đến năm 1997, Donald Nuss trình bày kỹ thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh với can thiệp tối thiểu không cần cắt bỏ sụn sườn và mở xương ức. Phẫu thuật này nhanh chóng được nhiều nước áp dụng. Ở Việt Nam, phẫu thuật Nuss đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vào năm 2008. Từ 8.2013, BVĐK tỉnh Bình Định bắt đầu triển khai phẫu thuật Nuss với nội soi lồng ngực hỗ trợ để điều trị lõm ngực bẩm sinh ở trẻ em.
Bệnh nhi lõm ngực có chỉ định phẫu thuật được đặt thanh kim loại tạo thành vòm dưới xương ức qua vết mổ nhỏ hai bên ngực. Lúc đặt vào hướng lồi của thanh kim loại quay về phía sau. Sau đó, mặt lồi của thanh được xoay hướng về xương ức để nâng thành ngực bị lõm và chỉnh sửa dị dạng. Khi phẫu thuật, bệnh nhân nằm ngửa, gây mê nội khí quản có đo huyết áp động mạch xâm lấn. Hệ thống nội soi được sử dụng để đảm bảo đường mổ không làm tổn thương các mạch máu lớn. Bệnh nhân được giảm đau tích cực bằng Morphin trong 48 giờ sau mổ kết hợp với Paracetamol.
Trước tuổi dậy thì là thời điểm thích hợp nhất để chỉnh sửa lồng ngực cho những trẻ có lõm ngực, bởi thành ngực còn mềm mại, dễ uốn nắn. Bên cạnh đó, hậu phẫu ở trẻ nhỏ cũng ít đau đớn và hồi phục nhanh hơn so với trẻ ở lứa tuổi dậy thì
Bác sĩ Phan Xuân Cảnh, một trong những người tham gia triển khai kỹ thuật cao này từ những ngày đầu, cho biết: “Nuss là phẫu thuật khó, tổn thương tim có thể xảy ra khi phẫu tích khoảng trước tim - sau xương ức nếu phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm và thao tác “mù”. Vì vậy, khi ứng dụng phẫu thuật Nuss tại BVĐK tỉnh với lượng bệnh còn ít và chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi quyết định sử dụng nội soi lồng ngực hỗ trợ dẫn đường trong thì phẫu tích khoảng trước tim - sau xương ức, nhằm kiểm soát thao tác để không gây tổn thương tim, màng ngoài tim”.
Kết quả nghiên cứu của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp cho thấy, trong số 15 bệnh nhi được phẫu thuật từ tháng 8.2013 đến tháng 8.2015, kết quả tốt đạt 73,3%, khá 26,7%. Thời gian phẫu thuật trung bình 94,4 phút, thời gian nằm viện trung bình chỉ 7,3 ngày. Đáng chú ý, theo bác sĩ Cảnh, trước tuổi dậy thì là thời điểm thích hợp nhất để chỉnh sửa lồng ngực cho những trẻ có lõm ngực, bởi thành ngực còn mềm mại, dễ uốn nắn. Bên cạnh đó, hậu phẫu ở trẻ nhỏ cũng ít đau đớn và hồi phục nhanh hơn so với trẻ ở lứa tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít trẻ bị lõm ngực nhưng chưa được phẫu thuật. Một trong những nguyên nhân chính là gia đình thiếu thông tin, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trong đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh được tổ chức tại BVĐK tỉnh vào tháng 3.2016, chúng tôi đã gặp một trường hợp như thế. Một bé trai
8 tuổi bị lõm ngực nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp nhưng mẹ của bé cho biết chưa bao giờ nghĩ đến việc cho con đi mổ để có được cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG
Tại Hội nghị thường niên Hội Niệu - Thận học TP Hồ Chí Minh năm 2016 được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ 14-16.7, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) đã báo cáo đề tài “Kết quả ban đầu ứng dụng phẫu thuật Nuss có nội soi hỗ trợ điều trị lõm ngực bẩm sinh ở trẻ em tại BVĐK tỉnh Bình Định”. Đề tài này cũng được báo cáo tại Hội nghị Nhi khoa mở rộng Bệnh viện Nhi đồng 2 năm 2016 được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 6-7.10.