Game thủ “cày đêm” và hệ lụy
Bên cạnh những bạn trẻ chăm chỉ học hành, đi làm thêm để phụ giúp gia đình thì cũng có những “cú đêm” tìm đến quán “nét” để thỏa mãn sở thích game online. Phần lớn họ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh THPT.
Như một game thủ thực thụ, tôi vào quán net G.L.X (đường Biên Cương, TP Quy Nhơn) thức cùng các game thủ một đêm để tận mắt chứng kiến cảnh “cày đêm” của các “chiến hữu”. Phòng game ở đây được ngụy trang khá kín với ba lớp: Cửa sắt ngoài cùng, cửa kính ở giữa và lớp màn vải phía trong. Mùi khói thuốc nồng nặc quyện với mùi mồ hôi người khiến căn phòng trở nên ngột ngạt. Các game thủ đang dán mắt vào màn hình máy tính, trên bàn đầy thuốc lá, hộp quẹt, ly cà phê…
“Cày đêm” game online.
Game thủ N.T.L (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn), cho biết: “Ở quán này, muốn “cắm đêm” thì phải đến trước 23 giờ để chủ quán đóng cửa. Chỉ cần 20.000 - 30.000 đồng là đủ chơi đến sáng”.
Tôi lướt web, lên facebook để giết thời gian và quan sát. Càng về khuya, lượng người chơi game càng nhiều. Tiếng nói cười giảm dần rồi căn phòng im lặng gần như hoàn toàn, thỉnh thoảng vang lên vài tiếng xuýt xoa, chửi thề khi thua trận của các game thủ.
3 giờ sáng, nhiều người thấm mệt, một số ngồi vật ra ghế tranh thủ chợp mắt, số khác lại “rửa mắt” bằng những clip “mát mẻ” trên mạng, dẫu trên tường có dán bảng “Không được vào các trang web đồi trụy”.
Việc “cày đêm” game online liên tục ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và việc học tập của học sinh, sinh viên. Anh H.Đ.S. đã “cày” 4 năm đại học ở Quy Nhơn nhưng hiện vẫn còn học để trả nợ 25 tín chỉ (gần 1 năm học). Anh S. nói: “Lớp tôi, có bạn còn nợ cả tín chỉ lẫn học phí, như N.V.T. (ở huyện Tuy Phước) còn nợ tới 30 môn, Đ.C.T. (ở huyện Hoài Nhơn) nợ 7 tín chỉ”.
Anh N.T.L., một game thủ khác, cho biết thêm: “Chúng tôi chơi những game cần nhiều người chơi nên thường rủ bạn đi cùng. Chơi đến 6 giờ sáng rồi về phòng trọ ngủ tới 1, 2 giờ chiều mới dậy ăn cơm, nhiều lúc phải nghỉ học trên trường”.
Các nhà khoa học từng cảnh báo, những người trẻ có thói quen “ngủ ngày, cày đêm” không chỉ là vấn đề sức khỏe giảm sút, trí lực suy kiệt mà việc thay đổi nhịp sinh học sẽ dẫn đến thiếu tỉnh táo và không thể tập trung vào việc chính của họ là học tập. Như vậy, họ đánh mất đi cuộc đời thực mà đáng lẽ họ phải phấn đấu để đạt được mục tiêu là kiến thức và chỗ đứng. Cuộc sống ảo dẫn các bạn trẻ đến những bệnh tâm lý như dễ cáu gắt, giao tiếp và hành xử không đúng mực. Bên cạnh đó, trên thực tế, đã có không ít trường hợp học sinh, sinh viên nghiện game online đến mức đi trộm cắp, cướp giật để có tiền chơi.
HỮU HẬU