Phát hiện di tích khảo cổ tại xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn)
Đầu tháng 10.2016, trong một cuộc khảo sát khảo cổ học, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Bình Định phát hiện tại khu vực có tục danh Gò Gạch (phía sau vườn nhà ông Trần Xuân Đào, ở xóm 3, thôn Túy Sơn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) có di tích kiến trúc Chămpa.
Theo những dấu hiệu còn lại, trước đây nơi này từng tồn tại một kiến trúc Chămpa quy mô nhỏ. Lớp gạch phát hiện trên đỉnh gò còn khá nguyên vẹn. Mỗi viên gạch có chiều rộng 12cm, dài 25cm, dày 7cm; màu đỏ, nhẹ, xốp, pha nhiều hạt cát sạn, bã thực vật, bên trong gạch có lõi màu đen do nung ở nhiệt độ thấp. Đây là những đặc trưng của loại gạch dùng để xây đền tháp Chămpa.
Cùng với gạch, còn có rất nhiều mảnh gốm sành có tráng men và không tráng men của những vò, hũ gốm Chăm có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII - XV và một số mảnh gốm Việt ở giai đoạn muộn hơn.
Đặc biệt tại Gò Gạch, cán bộ khảo cổ phát hiện 2 hiện vật còn nguyên là một vò gốm bằng sành, miệng loe, cổ cao, vai nở, thân thóp dần xuống dưới đáy và một hũ sành miệng vê tròn, vai hũ có quai, trang trí bằng các đường kẻ sọc, thân thuôn dần xuống dưới đáy (ảnh). Dựa vào loại hình và chất liệu mà đoán định thì đây là gốm của người Việt, có niên đại khoảng thế kỷ XIX.
HOÀNG NHƯ KHOA