Can thiệp sớm về tâm lý, tâm thần cho mọi người
Đó là chủ đề của Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10.10) năm nay. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Châu Văn Tuấn, nhiều khó khăn khiến cho hoạt động can thiệp sớm về tâm lý, tâm thần vẫn là “chuyện xa lạ”.
Khoảng trống
Nhiều lần đến Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, tôi vẫn không nguôi ám ảnh trước những nét mặt vô hồn, những tiếng cười hềnh hệch, ánh nhìn ngây dại. Song như chính những người gắn bó lâu năm với những người “chợt nhớ chợt quên” này thừa nhận, đáng ngại nhất là các bệnh nhân chẳng nói chẳng rằng, thu mình trước tất cả.
Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám sàng lọc ở cộng đồng.
Th. là một trong số đó. Đó là một thanh niên vai rộng, nét buồn đậm trên mắt. Anh từng là thợ hồ lành nghề; sau một lần té ngã từ giàn giáo, anh phải phẫu thuật, nằm viện gần 2 tháng. Sau khi xuất viện, Th. như mất hồn, quên hết quá khứ, la hét thất thường và đập phá đồ đạc trong nhà. Gia đình đưa Th. đi khám thì được xác định anh đã bị tâm thần phân liệt. Vào Trung tâm, anh chỉ muốn ở một mình, cứ ai mở lời là anh bỏ đi. Các nhân viên của Trung tâm phải hết sức kiên trì, mất gần 2 tháng mới chuyện trò được với anh; rồi động viên anh uống thuốc đúng giờ, tham gia hoạt động tập thể. Sau đó, tôi nghe tin anh hồi phục, được gia đình đón về.
Song số trường hợp “suôn sẻ” như anh Th. là rất hiếm. Theo Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn Đoàn Thế Tuấn, trong số hơn 500 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại đây, khó có thể kể hết những người phát bệnh nặng sau những tai nạn, biến cố. “Không được động viên, chia sẻ, giúp đỡ trong những ngày đầu, họ dễ bế tắc, sa vào tâm trạng buồn bã, cô đơn, dẫn đến phát bệnh” - ông Tuấn chia sẻ.
Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, lâu nay, sau mỗi thiên tai, thảm họa hay tai nạn nghiêm trọng, chúng ta chỉ mới quan tâm đến sự giúp đỡ về vật chất như trao hàng cứu trợ, hỗ trợ tiền, với sự vào cuộc của các tổ chức từ thiện xã hội. Trong khi đó, sự hỗ trợ về tâm lý, tâm thần sau khủng hoảng cho đối tượng từ chuyên gia tâm lý vẫn là khoảng trống.
“Một mặt hoạt động này vẫn chưa nhận được sự quan tâm của cộng đồng; mặt khác, chúng ta vẫn chưa có các nhà tâm lý lâm sàng để đánh giá tình trạng và đưa ra hướng can thiệp, đặc biệt là về tâm lý động viên, tâm lý hỗ trợ” - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Thấu hiểu và chia sẻ
Ngày 22.6.2016, tại Quảng Ngãi, TS. Amie Alley Pollack - một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Đánh giá ảnh hưởng của thiên tai đối với sức khỏe tâm thần của người lớn tuổi” - đã trình bày báo cáo Nguy cơ và sự hồi phục ở người trải qua các cơn bão. Báo cáo đã đưa ra những con số đáng ngại, như 22,7% đối tượng nghiên cứu có một hay hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần, 22,1% đối tượng nghiên cứu suy giảm chức năng từ trung bình đến nặng; tỉ lệ người tiếp xúc với bão là 99%, trong đó có 77% báo cáo có bão là gây chấn thương; mức độ stress tài chính (tạm hiểu là căng thẳng vì vấn đề kinh tế) từ trung bình đến nặng là 30%...
Đề tài khoa học “Đánh giá ảnh hưởng của thiên tai đối với sức khỏe tâm thần của người lớn tuổi” được triển khai từ năm 2012, trên cơ sở khảo sát 1.000 người trên 18 tuổi tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Bác sĩ Châu Văn Tuấn cho biết, kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học nhận định chính xác vai trò của can thiệp sớm về tâm lý, tâm thần cho người dân sau thiên tai; từ đó, đề ra các giải pháp về lâu dài.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều lát cắt của các vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, tâm thần. Không chỉ là chiến tranh, thảm họa, tai nạn giao thông… chuyên ngành Tâm thần còn quan tâm đến những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt như xung đột vợ chồng, con nghiện game, bị sếp chèn ép…
Chúng ta chỉ mới quan tâm đến sự giúp đỡ về vật chất, như trao hàng cứu trợ, hỗ trợ tiền với sự vào cuộc của các tổ chức từ thiện xã hội. Trong khi đó, sự hỗ trợ về tâm lý, tâm thần sau khủng hoảng cho đối tượng từ chuyên gia tâm lý vẫn là khoảng trống
“Để có thể can thiệp sớm với từng người, rất nhiều điều kiện cần đặt ra. Bản thân người bệnh phải vượt qua định kiến (kiểu như đi “sông Ngang” là bị tâm thần), tìm đến cơ sở chuyên khoa tâm thần. Quá trình thăm khám phải kể thật vấn đề mình gặp phải. Nhân viên y tế cũng cần tỉnh táo, bởi stress cũng có thể gây ra những hội chứng nội khoa. Và, phải chịu khó trò chuyện, khơi gợi, thật sự muốn lắng nghe thì mới thấu hiểu và đưa ra hướng can thiệp phù hợp”- bác sĩ Châu Văn Tuấn phân tích.
Cách đây 2 năm, một bệnh nhân 50 tuổi ở ngoại thành Quy Nhơn tìm đến bác sĩ Tuấn bởi các triệu chứng mất ngủ, buồn bã, không muốn làm việc gì. Tỉ tê trò chuyện mãi, bệnh nhân mới thật thà thổ lộ, dạo này ông ấy lâm vào tình trạng “chưa đến chợ đã rơi hết tiền”, phần tự ti, phần thì lo lắng vợ tìm “chỗ khác”. Nắm được nguồn cơn, bác sĩ Tuấn đã tư vấn cho bệnh nhân cách dùng các thảo dược để tăng cường chức năng sinh lý. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân này có thể bị stress nặng, dẫn đến hậu quả khôn lường…
NGUYỄN VĂN TRANG