Bệnh ung thư có thể phòng tránh được
Tại hội thảo quốc gia phòng, chống ung thư lần thứ XVIII-2016 diễn ra trong hai ngày 6 và 7.10 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc các loại ung thư đều có xu hướng gia tăng. Ở nước ta đang tồn tại một mâu thuẫn, đại đa số người dân đều coi ung thư là căn bệnh “tử thần”, là nỗi sợ hãi kinh hoàng nhưng ít người quan tâm đến việc dự phòng, trong khi đây là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ góp phần giảm lượng bệnh nhân đổ về Bệnh viện K trung ương.
Mỗi ngày có khoảng 300 người tử vong vì ung thư
Trên thế giới hiện có khoảng 23 triệu người đang sống chung với ung thư, trong đó mỗi năm có 14,1 triệu người mắc mới và trên 8,2 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư đang gia tăng, trung bình mỗi năm có khoảng 135.000-180.000 người mắc mới và 95.000-135.000 người tử vong do ung thư (tương đương khoảng 300 người tử vong/ngày).
Theo GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng. Còn ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi. “Ung thư phổi ở đàn ông nước ta chỉ tương đương các nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, ung thư phổi ở nữ lại đang là vấn đề đáng báo động, bởi tỷ lệ ung thư phổi ở nữ giới gần bằng 2/5 nam giới do hút thuốc lá thụ động” - GS.TS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cũng đặc biệt lưu ý đến ung thư phổi. Riêng với ung thư phổi thì Việt Nam xếp top đầu, do hút thuốc lá quá nhiều. 85% bệnh nhân ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá. Do vậy, với ung thư phổi thì vấn đề phòng bệnh phải là số 1, vì có phát hiện sớm cũng điều trị kém hiệu quả hơn so với các loại ung thư khác.
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 50 nước đứng đầu về tỷ lệ người chết vì ung thư và mắc bệnh ung thư được xếp vào top 1. Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì ung thư là 110/100.000 người.
Những nguyên nhân khiến bệnh ung thư gia tăng chủ yếu do yếu tố di truyền, môi trường sống ô nhiễm, hóa chất trong công nghiệp, thực phẩm độc hại, thói quen sinh hoạt và ăn uống không khoa học: Lười vận động, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, việc ít vận động thể lực cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 21-25% trường hợp ung thư vú và ung thư ruột. Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời là tác nhân gây ung thư da. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, trực tràng và ung thư vú. Các chất bảo quản, chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học hay thực phẩm bị nấm mốc lên men gây ra ung thư đường tiêu hóa: Ung thư dạ dày, gan… Đặc biệt là việc lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư: Ung thư miệng, họng, phổi, thanh quản, gan, vú, đại, trực tràng…
Biết sớm, trị lành!
Điều đáng mừng là hiện nay phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, với điều kiện hiện nay, khi kết hợp cùng lúc 4 hướng: Phòng bệnh, phát hiện sớm, tăng cường chẩn đoán điều trị, chăm sóc giảm nhẹ, thì tỷ lệ chữa khỏi ung thư có nhích lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. “Hiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%. Nguyên nhân do có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước đều phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Trong khi xu hướng hầu hết các loại ung thư đều tăng ở Việt Nam, thì ung thư cổ tử cung đang giảm dần do được phát hiện sớm, tầm soát tốt, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng ngừa ngày càng nhiều” - PGS.TS Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Còn theo GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, ở nước ta dù trình độ y học hiện đã ngang tầm thế giới nhưng do bác sĩ, cơ sở vật chất thiếu, trong khi bệnh nhân đông nên khả năng đáp ứng điều trị còn hạn chế. Do vậy, những người giàu thường đổ xô ra nước ngoài chữa bệnh. “Điều quan trọng nhất để điều trị ung thư hiệu quả, đó là “biết sớm, trị lành”. Hơn nữa, ung thư dù là nỗi sợ của mọi người nhưng hoàn toàn phòng tránh được, nếu có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh” - GS.TS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo.
Tuy nhiên, một điều tra cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố, với hơn 12.000 người tham gia cho thấy, tỷ lệ người dân hiểu biết cơ bản về ung thư còn thấp (35%). Đại đa số (hơn 67%) người dân được hỏi còn cho rằng, ung thư là bệnh nan y và việc phát hiện sớm hay muộn cũng… thế mà thôi. Ngoài ra, 35,8% người cho rằng, ung thư nếu đụng dao kéo sẽ sớm di căn và chóng chết…
Để hạn chế sự gia tăng của căn bệnh này, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho rằng, trong công tác phòng chống ung thư đến năm 2020 quan tâm đến dự phòng, trọng tâm là truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng và đào tạo trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống ung thư cho cán bộ y tế, phát hiện sớm ung thư, quan tâm đến sàng lọc...; đồng thời xây dựng các phác đồ điều trị chuẩn cho các loại ung thư thường gặp.
Theo thống kê, tổng chi phí điều trị 6 loại ung thư phổ biến, gồm: Ung thư vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỷ đồng (chiếm 0,22% GDP của Việt Nam năm 2012). Trung bình, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho điều trị trực tiếp và gián tiếp. Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh.
Theo Thu Trang (HNM)