Giật mình với tình trạng mang thai ở vị thành niên
“Yêu” sớm nhưng lại thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản (SKSS), nhiều trẻ vị thành niên (VTN) mang thai, kéo theo vô vàn hệ lụy về sức khỏe và tâm lý. Không còn là những vụ việc đơn lẻ, tình trạng mang thai ở trẻ VTN đã đến mức báo động.
Hệ lụy
Cuối năm 2013, tại huyện Hoài Nhơn, từng xảy ra trường hợp một học sinh đang học lớp 12 mang thai ngoài ý muốn. Có bầu rồi sinh con, quá sợ hãi, cô học trò đã âm thầm mang con đi bỏ ở bụi tre phía sau Trạm Y tế xã Hoài Phú. Sau khi phát hiện, nhân viên y tế xã đã nhanh chóng sơ cứu và đưa cháu bé đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn cấp cứu, nhưng 3 giờ đồng hồ sau, bé tử vong.
Hoạt động ngoại khóa có nhiều kiến thức về tình yêu, tình bạn và SKSS được tổ chức tại Trường iSCHOOL Quy Nhơn.
Gia đình học sinh này cho biết, em là một học sinh ngoan hiền, học lực khá. Trước ngày sinh nở, em vẫn đi học bình thường và không có biểu hiện gì “lạ” (!) Tuy nhiên, đến ngày sinh, do sợ hãi và thiếu hiểu biết, em đã tự nhốt mình vào phòng riêng để sinh con và tự cắt nhau thai. Điều đó có thể cho thấy, gia đình đã không quan tâm đúng mức đến con cái.
Cũng ở Hoài Nhơn, từng xảy ra trường hợp một học sinh lớp 9 mang thai ngoài ý muốn. “Tác giả” của bào thai là bạn học cùng lớp, cùng chăn trâu hàng ngày với nhau. Khi sự việc vỡ lở, Công an vào cuộc, hai gia đình mới bật ngửa. Trước đó, trong những lần đi chăn trâu cùng nhau hay trốn học, hai em lén lút quan hệ tình dục.
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy, hầu hết việc mang thai của những học sinh là do thiếu hiểu biết về SKSS, dẫn đến hậu quả đau lòng cho gia đình, xã hội. Điều đáng nói, độ tuổi mang thai ngày càng trẻ. Mới đây, gia đình một bé gái mới 12 tuổi ở tỉnh Hà Tĩnh đã trình báo sự việc con mình bị một đối tượng lớn hơn em 18 tuổi làm quen qua mạng xã hội facebook. Sau một thời gian tán tỉnh, đối tượng này hẹn em gặp mặt, đi chơi, rồi quan hệ tình dục. Mỗi lần như vậy, đối tượng đều bắt em phải uống thuốc tránh thai; rồi dùng điện thoại, ghi lại cảnh “nóng” với em trong những lần quan hệ để “kỷ niệm”.
Ám ảnh từ những con số
Thông tin từ Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy, trong năm 2015, mỗi ngày có 20.000 người trong độ tuổi 15 - 17 tại các nước đang phát triển sinh con. Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở nữ giới tuổi từ 15 - 19 là 3,2 triệu ca, 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi.
Ở nước ta, điều tra quốc gia về VTN và thanh niên Việt Nam gần đây cho thấy, vấn đề quan hệ tình dục, nạo hút thai… ở trẻ VTN đã thật sự gây sửng sốt trong dư luận. 80% nữ sinh lớp 12 đã có người yêu, 33,1% nữ VTN cho rằng có thể quan hệ tình dục ở VTN, VTN chiếm 20 - 30% số ca nạo hút thai của cả nước…
Ngày Quốc tế của trẻ em gái (11.10) được thống nhất trên toàn cầu bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào năm 2011, dựa trên sáng kiến chung của Tổ chức Plan Canada, Chính phủ Canada, Liên minh châu Âu và các tổ chức khác. Theo Quỹ dân số Liên hiệp quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 600 triệu trẻ em gái, trong đó hơn 500 triệu em đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Quyền được chăm lo SKSS của trẻ em gái là vấn đề quan trọng hàng đầu được quan tâm khi Ngày Quốc tế của trẻ em gái ra đời.
Theo bác sĩ Cao Thị Minh Ẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, tỉ lệ VTN có thai tăng liên tục. Năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%; tương ứng tỉ lệ phá thai là 2,2% - 2,4% - 2,3%. Tại Bình Định, 19% VTN chấp nhận có quan hệ tình dục trước hôn nhân; 22% VTN không có kiến thức về các biện pháp tránh thai; 39% cho rằng các biện pháp tránh thai chỉ dành cho người đã có gia đình; 48% VTN không biết dấu hiệu của dậy thì và thai nghén… Đáng chú ý, mỗi năm có khoảng 2.000 ca nạo hút thai, VTN chiếm 6% trong số này.
Bác sĩ Ẩn khẳng định, thực tế đó đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt cho VTN từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cần có một chương trình giáo dục cụ thể để tăng nhận thức, hiểu biết về tâm sinh lý VTN, trì hoãn quan hệ tình dục sớm. Tránh quan niệm “vẽ đường cho hươu chạy”; mà ngược lại, phải có sự giúp đỡ, định hướng để “hươu chạy đúng đường”.
“Cần có nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ thân thiện cho VTN. Trường học là một địa điểm đáng tin cậy, trực tiếp tư vấn, giải quyết các vấn đề của các em ngay tại trường” - bác sĩ Ẩn nhấn mạnh.
MAI LÂM