Gỡ vướng “nông thôn mới”!
Trong phiên làm việc ngày 5.10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2015.
Kết quả giám sát cho thấy, sau 5 năm triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực ở các vùng nông thôn. Tính đến tháng 9.2016, cả nước đã có 2.045 xã đạt tiêu chí NTM (chiếm 23% tổng số xã) và 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM. Đặc biệt là sau 5 năm thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đã giảm từ 17,4% (năm 2011) xuống còn 8,2% (năm 2015).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, còn có hai vấn đề, cũng là hai vướng mắc “nổi cộm” trong quá trình tổ chức thực hiện cần được tháo gỡ kịp thời. Đó là tình hình nợ đọng quá lớn và việc gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế.
Về nợ đọng, hiện có tới 53/63 tỉnh, thành phố có tổng nợ đọng lên đến 15.277 tỉ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán như huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nợ xây dựng cơ bản lên đến gần 400 tỉ đồng. Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông, thủy lợi; trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận NTM chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Mặc dù, số nợ đọng này chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động nhưng để lại hậu quả xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, giải pháp trong thời gian tới là các địa phương tiến hành rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản.
Về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phải thẳng thắn nhìn nhận đây là hạn chế lớn khi trong giai đoạn vừa qua hầu hết các địa phương còn rất lúng túng, bị động trong việc triển khai đề án này nên kết quả còn hết sức hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tổng thể của chương trình.
Kinh tế phát triển, thu nhập tăng, đời sống người dân sung túc chính là nền tảng để xây dựng NTM phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới các địa phương trong triển khai chương trình xây dựng NTM cần hết sức quan tâm đến việc huy động các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội để hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật, công nghệ, thị trường… cho đầu tư phát triển sản xuất; có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng ngày càng hiệu quả và tích cực hơn.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Bản chất của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người nông dân, cả về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ là các công trình xây dựng cơ bản”. Đây cũng là phương châm chỉ đạo, là mục tiêu của chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới mà từng địa phương cần bám sát để triển khai thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để mang lại kết quả cao nhất.
H.Đ