Chuyện… không nhỏ!
Các số liệu thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2016, trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn Bình Định, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có sự chuyển biến tích cực, cả ba tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) đều giảm đáng kể. Tuy có giảm, nhưng bình quân mỗi tháng trên địa bàn Bình Định vẫn xảy ra gần 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 10 người, bị thương trên 20 người. Tai nạn giao thông vẫn là một hiểm họa, là nỗi lo lớn của từng cộng đồng và toàn xã hội.
Trong các báo cáo đánh giá tình hình TTATGT, các nguyên nhân như hạ tầng giao thông yếu kém, còn nhiều điểm đen giao thông trên đường, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt… thường được đề cập và nhấn mạnh trong khi yếu tố văn hóa giao thông lại chưa được đề cập đúng mức. Có thể xem đây là một thiếu sót vì yếu tố văn hóa trong giao thông có mối liên hệ mật thiết với ý thức chấp hành luật giao thông.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những người dân tham gia giao thông có ý thức tốt, ứng xử có văn hóa còn có không ít người ý thức rất kém khi tham gia giao thông. Có nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra một nghịch lý đã và đang diễn ra khá phổ biến trong đời sống. Đó là, tại nhiều khu vực dân cư, dù được công nhận đạt chuẩn “khu dân cư văn hóa”, lại là nơi thường xuyên diễn ra vi phạm pháp luật về giao thông, có nhiều hành vi, cách ứng xử thiếu văn hóa trên đường. Tình trạng vi phạm luật giao thông, từ việc đơn giản nhất như chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đội mũ bảo hiểm, đi xe đúng phần đường… cho đến các lỗi nặng hơn như lái xe không giấy phép, phương tiện không đảm bảo an toàn… đang ngày càng có xu hướng phổ biến là điều đáng báo động.
Mặt khác, với nhiều người cùng đi chung trên một con đường, cùng một phương tiện, có thể nói giao thông là một hoạt động xã hội mang tính cộng đồng rất cao. Vì vậy, cùng với việc tuân thủ nghiêm luật giao thông, văn hóa giao thông cũng đòi hỏi người tham gia giao thông cần nêu cao tính cộng đồng trong hành vi và cách ứng xử, như: không chen lấn nhau, cứu giúp người bị nạn, chủ động nhường đường và người già, trẻ con qua đường; phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; kịp thời thông báo khi thấy các sự cố về đường sá, phương tiện với cơ quan có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn xử lý. Với mỗi việc làm mang tính cộng đồng như thế là người tham gia giao thông đã góp phần tích cực để giảm thiểu tai nạn, giảm thiểu ách tắc giao thông và góp phần thiết thực để hạn chế rủi ro cho mình và nhiều người khác.
Rõ ràng, văn hóa giao thông không phải là cái gì quá xa xôi, phức tạp. Nó chính là những việc làm, thói quen rất nhỏ hàng ngày của mỗi người, như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; dừng, đỗ xe đúng phần đường quy định; nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; góp phần bảo vệ, giữ gìn và xây dựng nhiều công trình giao thông công cộng... Nhưng nếu mỗi người, và mọi người, đều cùng nhau tự giác làm tốt những việc nhỏ như thế sẽ góp phần xây dựng nên một môi trường giao thông văn minh, một văn hóa giao thông ấm áp tình người.
“Chuyện… không nhỏ” là vì vậy!.
HẢI ÐĂNG