Ðôi mắt thâm đen
* Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
Lạnh! Ðang giữa mùa hè oi bức mà khi bước vào nhà, tôi lại có cảm giác ấy! Nỗi ám ảnh về đôi mắt chưa kịp nhắm của mẹ trước khi chết làm lòng tôi rát như vết thương bị xát muối. Bố dượng ra đón tôi, viền mắt lờ đờ thâm đen vì bao đêm thức trắng ngồi khóc bên di ảnh mẹ. Tôi trở nên lầm lì, ít nói hơn. Và bao giờ, tôi cũng chỉ an ủi ông được một câu nhạt nhẽo:
- Mẹ con mất cũng đã lâu rồi. Dượng đừng quá đau buồn nữa!
Ấy vậy mà khi nằm rạp xuống chiếc giường trệt trong căn gác xép của riêng mình, tôi úp mặt vào gối bông khóc ngon lành như một đứa trẻ. Ðã rất lâu rồi, tôi không còn được sống lại cái cảm giác ôm chặt mẹ và ngủ say một giấc yên lành. Hằng đêm, trong cơn mê man nhập nhằng hư ảo, tôi thấy mẹ hiện về bên cửa sổ, môi mấp máy muốn nói một điều gì đó, nhưng rồi mẹ nhanh chóng tan ra thành một làn sương mờ đục bị gió cuốn bay xa, xa mãi.
***
Trên đời, mẹ là chúa sợ loài đỉa. Sao hôm đó mẹ lại mạo hiểm xuống kênh mò ốc cơ chứ? Mà cứ cho là mẹ thèm ốc thật, thì cái vùng ven đô này chẳng thiếu gì những quán ốc xào thơm ngon nổi tiếng. Những hoài nghi đeo bám, cắn rứt tôi. Tự nhủ lòng mình đằng nào, mẹ cũng đi rồi, hãy gắng chôn chìm ký ức mà sống tiếp để mẹ nơi suối vàng ngậm cười thanh thản. Tôi đã không làm được!
Là đứa mê tín, thi thoảng, tôi vẫn lên Google tìm cách giải mã cái chết của mẹ. Nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Chỉ có một bà lão mù lòa được thiên hạ rỉ tai là người có khả năng “nhìn thấu cõi âm” thì phán chắc nịch:
- Khúc sông ấy đã có rất nhiều người chết đuối rồi. Hôm đấy mẹ cô bị một oan hồn nắm lấy cổ chân dìm cho đến chết để nó được lên bờ!
Tôi cố gặng hỏi thêm mấy câu nữa, nhưng bà bói chỉ hẹn lần sau.
Trong những món kỷ vật mẹ tôi để lại ngoài giá sách, những tập báo in xếp thành từng chồng cao ngất có đăng bài viết của mẹ, thì còn có một cuốn sổ màu nâu nằm lẫn trong ngăn tủ. Mẹ tôi là cây bút khá quen tên trên một số tờ báo. Nhưng dạo ấy, thường xuyên lên thư viện đọc báo, tôi không thấy tên mẹ. Gọi điện về hỏi thì mẹ lấp lửng:
- Mẹ bận bịu vì một cái dài hơi khác quan trọng hơn con ạ…
Buồn tình, tôi lật giở cuốn sổ ra xem…
Ngày… Tháng… Năm…
…Mình đã bảo với Hùng rằng mình đã có chồng và một con nhỏ. Nhưng rồi khi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, mình nhận ra, bao lâu nay, mình chỉ yêu một mình hắn thôi. Những ngón tay hắn như có ma thuật, lướt nhẹ trên tóc, trên da thịt mình mơn trớn. Chẳng hiểu sao lúc đó, mình lại dễ dàng để yên như vậy…
…Uống xong ly rượu vang đỏ, mình thấy đầu óc choáng váng. Khi tỉnh lại, thấy người nằm cạnh mình là một gã đàn ông lạ mặt đang ngáy khò khò. Trời ơi, mình đã định hét lên. Nhưng rồi có một cái gì đó đăng đắng chặn ngang cổ họng mình lai. Mình lẳng lặng mặc quần áo, tìm Hùng, tát vào mặt hắn ta mấy phát. Hắn dám lừa gạt mình…
…Giờ thì mình đã biết Hùng là trùm một nhà chứa. Sẵn đang chán ông chồng vô tích sự, mình lao vào hắn như con thiêu thân. Mình nhận những đồng tiền bẩn thỉu ấy và sẵn sàng làm theo những gì hắn sai khiến. Mai này, nếu con gái mình biết được mình làm cái nghề ô nhục này, nó sẽ nghĩ gì về mẹ nó…
Cuốn nhật ký của mẹ trên tay tôi rơi xuống giường. Tôi lặng người đi. Lẽ nào, mẹ tôi từng có một quá khứ như vậy. Tôi không dám đọc và cũng không dám nghĩ nữa. Ngoài bàn thờ mẹ, những đóa sen trắng đang dần rũ cánh. Ðôi mắt mẹ trong di ảnh nhìn tôi ẩn chứa nét nhìn gì đó rất khó tả. Những sợi thần kinh của tôi giờ giống như những sợi thép bùng nhùng vừa bén nhiệt, nóng rẫy. Vội vàng nhét cái tai phone vào lỗ tai, tôi mở nhạc thật to đến mức bố dượng gọi xuống ăn cơm đến lần thứ ba, tôi mới nghe thấy.
- Tôi thương em với cái Trang thế cơ mà? Sao em lại bỏ bố con tôi mà đi vậy, Nhã ơi!
Bố dượng tôi luôn vậy, bên bàn thờ mẹ, ông cứ khóc và nói lầm rầm những điều mà đáng lẽ đàn ông hay giữ kín trong lòng. Hốc mắt ông giờ đã đậm màu đen vì những đêm thiếu ngủ và vì khói đèn dầu ám tụ. Nghe ông khóc, tôi cũng muốn khóc theo. Tôi thèm khóc. Tôi muốn nước mắt xói mòn và rửa trôi những quạnh quẽ, đắng cay.
Tiếng khóc của bố dượng làm tôi lại quay cuồng nghĩ về những dòng chữ trong cuốn nhật ký phai nhòe của mẹ. Ông đã yêu thương mẹ con tôi chừng ấy, tại sao mẹ lại có thể làm như vậy? Hùng là ai? Tôi đặt ra hàng chục thứ giả thuyết khác nhau. Giả thuyết nào cũng dẫn đến ngõ cụt làm máu trong não tôi không thể lưu thông được.
Nhà bà lão lòa hôm nay đông nghịt khách. Ô tô, xe máy dựng kín cả sân lẫn vườn. Bởi buổi sáng uống liền một cốc nước mía đầy ứ nên đến nơi, tôi đã vội luồn mình qua đám dây leo chằng chịt đi tìm nhà vệ sinh. Và chợt, tôi giật mình khi nhìn thấy bố dượng tôi đang nói chuyện với bà bói bên gốc sanh già uốn dáng bonsai. Họ nói gì đó, rất khẽ. Tôi núp bên khóm hoa cúc già cỗi, cố lắng tai nhưng chẳng nghe được gì mà chỉ thấy ông run rẩy.
Tôi trở lại sân chờ đợi, mắt vẫn ngó dọc, ngó ngang xem bố dượng tôi đứng ở đâu. Ðúng lúc ấy cậu bé gọi đến số thứ tự, tôi lật đật bước vào. Lần này, bà thầy chủ động hỏi:
- Có phải cô rất nóng lòng muốn biết nguyên nhân cái chết của mẹ cô đúng không?
- Vâng ạ.
- Năm xưa mẹ cô đã làm nhiều điều khuất tất. Oan oan tương báo. Tất cả chỉ có thế thôi!
Lần này ra về, đầu tôi nặng đến mức tưởng chừng như toàn bộ trọng lượng cơ thể đã dồn hết vào đó. Những điều bà bói nói hoàn toàn logic với một giả thuyết tôi đã đặt ra sau khi đọc qua cuốn nhật ký của mẹ. Nhưng vì sao lại có bố dượng tôi ở đó? Lẽ nào, ông ấy cũng bị tra tấn bởi những câu hỏi như tôi đang vướng?
- Hôm nay dượng không đi ra ngoài chút cho khuây khỏa ạ?
- À… Không, bố chỉ muốn quanh quẩn trong nhà!
Ông vươn tay với lấy chiếc chổi lông gà, quét những lớp bụi bám trên bàn thờ mẹ. Cái dáng thui thủi, nhẫn chịu ấy càng khiến tôi cảm thấy thương hơn. Mẹ ra đi vội quá, còn chưa kịp để lại cho ông một đứa con chung. Tôi là con riêng của mẹ, nhưng từ bấy đến giờ luôn được ông cưng chiều, nâng niu. Tôi về, mó tay vào việc gì ông cũng điềm đạm: “Ðể đấy bố làm cho!”.
Sợ mẹ tôi nơi suối vàng cô độc, hằng đêm, ông rủ rỉ độc thoại trước bài vị của mẹ. Qua bấy nhiêu cử chỉ cũng đủ hiểu rằng, người đàn ông ấy yêu thương mẹ đến nhường nào. Ngay cả tôi, đôi lúc cũng phải tạm quên đi nỗi đau để học tập. Nhưng nơi ông, dường như, nỗi đau đã tạo thành kẽ nứt trong tim, chưa phút giây nào được khỏa lấp, nguôi ngoai.
Buổi sáng, một người phụ nữ trung niên bận chiếc váy màu tím oải hương gõ cửa nhà tôi. Tôi hỏi khẽ:
- Cô cần tìm ai ạ?
- Xin hỏi đây có phải nhà cô Nhã không?
Thầm nghĩ cô ấy có lẽ là một người bạn cũ của mẹ, tôi mời cô vào nhà. Ðúng lúc, bố dượng tôi từ trên gác đi xuống. Tôi chào một câu xã giao rồi ra hiên rải những nắm tấm cho lũ bồ câu, để vị khách lạ ngồi lại trò chuyện với ông.
- Chị nhà hôm nay vắng nhà ạ?
- Cô ấy… mất gần hai năm nay rồi chị ạ!
- Trời ơi!
Sửng sốt. Im lặng. Mãi một lúc sau mới thấy họ nói chuyện tiếp:
- Chị đây là…
- Tôi là người thuê chị Nhã viết một cuốn tự truyện vì lý do riêng tư liên quan đến cuộc đời tôi nên xin lỗi tôi không thể tiết lộ được. Trước đây, hai chị em vẫn thường liên lạc với nhau qua điện thoại. Rồi chị ấy đột ngột ngừng liên lạc. Tôi cứ băn khoăn suốt nhưng mãi đến nay mới về để hỏi thăm được. Té ra là…
Những tiết lộ về “tự truyện” mà vị khách lạ vừa nhắc đến khiến tay tôi khựng lại. Tế nhị lùi sang bên cánh cửa phải khép hờ, tôi nhìn vào. Mặt bố dượng tôi tối sầm lại…
Tôi có một gương mặt giống mẹ tôi đến mức hồi mẹ còn sống, bạn bè của mẹ đến chơi nhà vẫn thường nói đùa với mẹ: “Ra đường, kiểu gì người ta cũng nhầm tưởng hai mẹ con là chị em!”. Có phải vì thế không mà mỗi lần tôi về thăm nhà, lúc nào bố dượng cũng cúi cằm, chẳng mấy khi nhìn thẳng vào tôi nói chuyện rành mạch.
Sự xuất hiện của người phụ nữ lạ mặt vào buổi sáng giống như một mồi lửa mới. Thì ra, mẹ tôi không phải là người như tôi đã trộm nghĩ trong thoáng chốc. Tại sao bố dượng tôi lại có ở đó, sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ vậy chứ?
Tôi muốn đi tắm. Chỉ có cách này mới làm hạ nhiệt những ý nghĩ đang ngùn ngụt bốc khói trong đầu tôi. Chuyến này về vội không kịp mang theo quần áo, tôi mở tủ mẹ, lấy bừa một chiếc váy trắng. Từ khi trở thành thiếu nữ, tôi vẫn thường mặc chung quần áo của mẹ, để được làm “chị em” như bạn mẹ hay trêu.
Máy sấy vừa hỏng, tôi đành thả tóc cho nhanh khô. Lặng lẽ bước lên cầu thang tầng hai, tôi định bụng thắp cho mẹ một nén hương để chuộc lại những ý nghĩ thoáng qua hôm đọc cuốn tự truyện viết dang dở. Trong gian phòng thờ mẹ mờ ảo ánh nến lập lòe, đêm nay, bố dượng tôi lại khóc thảm thiết:
- Nhã ơi, sao em không kể với anh?
Nghe tiếng bước chân, ông xoay lại, rồi giật mình ngã bổ ngửa. Tôi chưa kịp nói gì thì ông cứ lảm nhảm như lên cơn điên:
- Ðừng bắt anh đi, Nhã ơi! Anh biết lỗi rồi Nhã ơi!
Vừa nói, ông ta vừa chống tay lùi về phía sau. Anh ghen tuông mù quáng cũng vì anh quá yêu em thôi, Nhã ơi. Tha cho anh đi…
Có một luồng điện mạnh lan nhanh ra khắp cơ thể tôi. Ông ta càng lùi, tôi càng tiến lại gần hơn. Khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mắt ông ta thâm đen, nhưng ráo hoảnh. Lạnh!
P.Ð.L