Thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan hành chính nhà nước: Còn nhiều bất cập
Trong gần 10 ngày từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.2016, Ðoàn giám sát liên ngành của tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì đã tiến hành giám sát việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 7 cơ quan, đơn vị (3 sở, 2 UBND cấp huyện, 2 UBND cấp xã). Qua giám sát cho thấy còn những bất cập, nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực và việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Đại diện Sở KH-ĐT báo cáo tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với đoàn giám sát của tỉnh.
Triển khai Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 10.11.2015 của UBND tỉnh về “Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2016”, từ đầu năm đến nay, các cơ quan, địa phương được giám sát, gồm: Sở TN-MT, KH-ĐT, LĐ-TB&XH, UBND huyện Phù Mỹ, huyện Hoài Nhơn, UBND xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), UBND thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), đã cơ bản xem xét và giải quyết hồ sơ của các cá nhân, tổ chức kịp thời, chính xác. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn ở Sở KH-ĐT là 99%, ở Sở LĐ-TB&XH là 99,2%.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định 36/2015, các cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hầu hết trụ sở làm việc của các sở và UBND cấp huyện, cấp xã được xây dựng trước khi có Quyết định 36/2015, nên không thể bố trí phòng làm việc đúng theo diện tích quy định (tối thiểu đối với cấp sở và UBND cấp xã là 40m2, UBND cấp huyện là 80m2). Riêng tại UBND huyện Hoài Nhơn đã có phòng tiếp nhận và trả kết quả (TNTKQ) rộng 220m2, trang thiết bị tương đối đầy đủ, có camera giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ tại bộ phận này.
Bên cạnh đó, đa số cán bộ công chức tại bộ phận TNTKQ là kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng giải quyết hồ sơ ở các cơ quan, đơn vị. Việc hỗ trợ cán bộ công chức ở bộ phận TNTKQ với mức 400 ngàn đồng/người/tháng theo quy định cũng chưa được đảm bảo thực hiện tại một số địa phương; như tại UBND xã Mỹ Chánh, cán bộ công chức chỉ được hỗ trợ 200 ngàn đồng/người/tháng.
Ngoài ra, số lượng cán bộ công chức của bộ phận TNTKQ ở các cơ quan, địa phương nói trên cũng chưa có sự đồng nhất. Như UBND thị trấn Bồng Sơn và UBND xã Mỹ Chánh không thể tập trung 6 cán bộ chuyên trách cùng một phòng, vì diện tích phòng nhỏ, mặt khác những cán bộ này còn phải giải quyết nhiều việc cùng một lúc. Việc xin lỗi người dân vì hồ sơ trễ hạn (bằng văn bản) cũng chưa được các địa phương, đơn vị chú trọng.
Đồng thời, việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn chưa được phổ biến. Trong đó, Sở TN-MT mới có 1 dịch vụ công trực tuyến về nộp phí bảo vệ môi trường mức độ 3; Sở LĐ-TB&XH có 1 thủ tục đăng ký dịch vụ công mức độ 3 thuộc lĩnh vực cấp phép cho người lao động nước ngoài; riêng Sở KH-ĐT có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tại 2 UBND cấp huyện, về cơ bản chỉ thực hiện được dịch vụ công trực tuyến mức độ 2.
Các thành viên trong đoàn công tác trực tiếp giám sát tại Bộ phận TNTKQ huyện Hoài Nhơn.
Phát biểu khi làm việc tại Sở TN- MT, ông Lâm Trường Định, Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội Vụ, thành viên Đoàn giám sát, nhận xét: “Khi khảo sát trực tiếp tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Cán bộ công chức chưa đeo bảng tên đầy đủ; trang thiết bị không hoạt động tốt, dẫn đến tính hiện đại trong công tác không được đảm bảo; đồng thời, việc giúp người dân tiếp cận thông tin còn khó khăn, vì trên trang thông tin điện tử của Sở chưa cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính hiện hành. Ngoài ra, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Ví dụ, trường hợp hồ sơ giải quyết trễ hạn, một số văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan thuế, kho bạc đẩy trách nhiệm cho nhau”.
Về phần mình, qua làm việc với đoàn giám sát của tỉnh, lãnh đạo các sở đã kiến nghị tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; bổ sung kinh phí để đầu tư trang thiết bị cho bộ phận TNTKQ được đầy đủ nhằm phục vụ các tổ chức, công dân tốt hơn. Đối với UBND cấp huyện, xã, lãnh đạo các địa phương đề nghị cần có sự chỉ đạo sát thực hơn nữa từ các cấp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ công chức tại bộ phận TNTKQ.
KIM CHI