Tháng hành động Vì trẻ em 2013:
Nhiều hoạt động thiết thực
Diễn ra từ ngày 1.6 đến 30.6, Tháng hành động Vì trẻ em năm nay thu hút sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương. Nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo toàn diện cho trẻ đã được tổ chức, cùng góp phần tạo nên một mùa hè sôi động và ấm áp.
Trong Tháng hành động Vì trẻ em năm nay, 137 trẻ em đã được phẫu thuật dị tật miễn phí.
Chăm lo nhiều mặt
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), trong Tháng hành động Vì trẻ em năm nay, hoạt động tuyên truyền đã được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả cao. Tại TP Quy Nhơn, đã có 5 cụm panô, gần 120 băng rôn, áp phích với nội dung liên quan đến Tháng hành động Vì trẻ em được lắp đặt trên các tuyến đường chính. Nhiều địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giáo dục cho trẻ em biết cách tự bảo vệ mình, tránh xa các nguy cơ bị xâm hại và kỹ năng để thực hiện quyền tham gia, bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi. Tiêu biểu như UBND xã Phước An (huyện Tuy Phước) tổ chức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại 3 trường tiểu học trên địa bàn; Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Mỹ phối hợp với UBND xã Mỹ Chánh tổ chức Diễn đàn quyền trẻ em tại Trường THCS Mỹ Chánh...
Cũng trong Tháng hành động, một hoạt động đầy ý nghĩa để chăm sóc sức khỏe cho trẻ em đã được tổ chức. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với BVĐK tỉnh, Hội Chữ thập đỏ và các ngành liên quan tổ chức khám sàng lọc cho 461 trẻ em và người lớn bị các khuyết tật tay, chân và vùng mặt. Kết quả đã có 191 bệnh nhân, trong đó 137 trẻ em được phẫu thuật miễn phí.
Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể thao cũng được tổ chức. Trong đó, Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách, Hội thi vẽ tranh thiếu nhi do Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT và Nhà Văn hóa Lao động tỉnh phối hợp tổ chức đã tạo ra những sân chơi sôi nổi và bổ ích cho trẻ.
Đặc biệt, hoạt động được cộng đồng xã hội rất quan tâm là thí điểm dạy bơi cho trẻ em ở vùng sông nước huyện Tuy Phước và Hoài Nhơn. Anh Bùi Duy Diệu, cán bộ phụ trách công tác chăm sóc- bảo vệ trẻ em, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, cho hay: “Đây là hoạt động rất thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều phụ huynh đưa con đến xin được học bơi, nhưng do số lượng có hạn nên chúng tôi phải hẹn lần sau”.
Nhiều khó khăn cần sớm khắc phục
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác triển khai Tháng hành động Vì trẻ em năm nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2013, Sở LĐ-TB&XH đã thăm và tặng quà cho 1.200 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức trao 50 suất học bổng (trị giá 500 ngàn đồng/suất) và 50 cặp phao cứu sinh cho học sinh vùng lòng hồ, sông nước ở Hoài Nhơn và Hoài Ân. Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố đã trao 58 suất học bổng, trị giá gần 18 triệu đồng; thăm và tặng 1.642 suất quà (trị giá 100-200 ngàn đồng/suất) với kinh phí hơn 188 triệu đồng. Ở tuyến xã, 7.393 em được tặng quà, kinh phí gần 176 triệu đồng, 389 em được nhận học bổng với số tiền 99,5 triệu đồng.
Những năm trước, từ đầu tháng 3, Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành hướng dẫn triển khai Tháng hành động Vì trẻ em. Năm nay, mãi đến 12.4, văn bản này mới được ban hành, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của các ban, ngành. “Mọi năm, Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh… đều có kế hoạch phối hợp, nhưng năm nay chỉ có Công an tỉnh và Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động Vì trẻ em trong hệ thống ngành. Từ đó, ảnh hưởng ít nhiều đến tính đồng bộ của các hoạt động hưởng ứng”, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết.
Một thực tế làm đau đầu những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là việc vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Tây Sơn, dù đã được triển khai sâu rộng trong Tháng hành động, nhưng từ huyện đến xã, thị trấn đều không vận động được nguồn hỗ trợ. Do vậy, huyện khó triển khai tốt công tác giúp đỡ cho trẻ em có điều kiện khó khăn đột xuất, động viên tinh thần và vật chất để các em hòa nhập cộng đồng.
Đó cũng là tình hình chung ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước Lê Trường Sơn, công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa đạt hiệu quả cao do mức sống của nhân dân vùng nông thôn còn thấp. Trên địa bàn có khá nhiều doanh nghiệp, nhưng do khó khăn chung nên nguồn hỗ trợ cũng rất hiếm hoi. “Hiện nay, nhiều điểm vui chơi cho trẻ em ở các xã đã xuống cấp, đồ chơi bằng sắt, nhựa qua mưa nắng ngoài trời đã hư hỏng nặng. Không có kinh phí, địa phương không thể xây dựng mái che, thuê bảo vệ”, ông Sơn cho hay.
NGUYỄN HOÀNG