Thêm tiện ích mới cho bệnh nhân tim mạch
Hội đồng KHCN chuyên ngành tỉnh vừa nghiệm thu và xếp loại Xuất sắc cho đề tài “Đánh giá kết quả thăm dò chức năng nút xoang, nút nhĩ thất và cắt cơn nhịp nhanh trên thất bằng máy kích nhĩ qua thực quản”. Đây là kỹ thuật mới mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân tim mạch.
Chủ nhiệm đề tài là bác sĩ chuyên khoa II Phan Nam Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh. Đề tài thực hiện nghiên cứu trên 70 bệnh nhân có chỉ định thăm dò chức năng nút xoang, nút nhĩ thất và 22 bệnh nhân có chỉ định cắt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng máy kích thích nhĩ tại BVĐK tỉnh trong giai đoạn 2014-2016. Theo kết quả nghiên cứu, tất cả trường hợp can thiệp đều luồn được dây điện cực qua thực quản vào vị trí thích hợp ở thực quản để kích nhĩ thành công.
Bác sĩ Phan Nam Hùng thực hiện thăm dò điện sinh lý chức năng nút xoang cho bà Nguyễn Thị Nuôi.
Nhiều bệnh nhân hưởng lợi
Đến giờ này, chị Trần Thị Ánh Hồng (29 tuổi, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) và gia đình vẫn chưa hết mừng vui khi mẹ con chị vượt qua cơn nguy kịch, mẹ tròn con vuông. Chị sinh con vào ngày 1.7, bé nặng 3,3 kg. “Lúc sinh có lên nhịp tim nhanh khoảng nửa tiếng, sau đó thì hết. Đến giờ thì đã khỏe hẳn, không còn khó thở nữa” - chị Hồng chia sẻ.
Chị Hồng là bệnh nhân đặc biệt - thai phụ đầu tiên được cắt cơn nhịp nhanh trên thất bằng máy kích nhĩ vượt tần số qua đường thực quản tại khoa Nội Tim mạch. Chị được đưa vào viện sáng 3.3 trong tình trạng khó thở nặng. Chẩn đoán được đưa ra là nhịp nhanh kịch phát trên thất, kết quả điện tim nhịp lên đến 212-213 lần/phút. Ê-kíp can thiệp do bác sĩ Phan Nam Hùng phụ trách đã thực hiện cắt cơn thành công, hạ nhịp tim của bệnh nhân xuống mức 114 lần/phút.
“Trước đây, bệnh nhân bị nhịp nhanh kịch phát trên thất thường được điều trị bằng thuốc, dễ gây tác dụng phụ, lại chống chỉ định với bệnh nhân có thai vì ảnh hưởng đến thai nhi. Hơn nữa, thuốc phát huy tác dụng chậm, có khi kéo dài đến 24 giờ sau mới cắt được cơn, khiến thai nhi có nguy cơ chết lưu và mẹ có thể suy tim do nhịp nhanh kéo dài” - bác sĩ Hùng phân tích.
Trong khi đó, suy nút xoang là một trong những bệnh lý có xu hướng tăng nhanh một cách rõ rệt theo tuổi thọ. Vậy nhưng, nhiều người không chú trọng đúng mức trước những triệu chứng ban đầu. Trong nhóm bệnh nhân nhịp tim chậm được thăm dò chức năng nút xoang, 45,71% có tiền sử ngất, nhưng sau đó, trở về bình thường, khiến nhiều người chủ quan.
Đó là chưa kể các trường hợp điều trị không tới nơi tới chốn. Như bà Nguyễn Thị Nuôi (68 tuổi, ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) được khoa Nội Tim mạch tiếp nhận ngày 26.7 với triệu chứng khó thở, chóng mặt, nhịp tim không đều, không rõ. Trước đó 1 ngày, bà Nuôi bị ngất nhiều lần. Các bác sĩ đã thực hiện thăm dò điện sinh lý chức năng nút xoang và phát hiện bệnh nhân bị suy nút xoang mức độ nặng, chỉ định đặt máy tạo nhịp 2 buồng tim tái đồng bộ cơ tim. Sau khi đặt máy, bệnh nhân khỏe, nhịp tim ổn định và xuất viện sau 10 ngày.
Bà Nuôi cho biết, tình trạng khó thở, ngất đột ngột đã xảy ra cách đây đến 3 năm. Bà đi khám nhiều lần ở một phòng mạch tư, được cho thuốc uống; nhưng còn thuốc còn khỏe, hết thuốc lại thở mệt nhọc như cũ.
Phát huy thành quả
Thăm dò nút xoang, nút nhĩ thất và cắt cơn nhịp nhanh trên thất bằng máy kích nhĩ qua thực quản là kỹ thuật không xâm nhập, an toàn và hiệu quả, được sử dụng nhiều ở Viện Tim quốc gia, Bệnh viện Tâm Đức, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. BVĐK tỉnh áp dụng thành công kỹ thuật cao này từ năm 2014, giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên điều trị. “Đây là một kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, vừa được cứu sống, vừa giảm chi phí điều trị” - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn Bùi Phương Anh nhận định.
Đây là một kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, vừa được cứu sống, vừa giảm chi phí điều trị
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Bệnh viện Quân y 13 Huỳnh Ngọc Cẩn, đề tài nghiên cứu của bác sĩ Phan Nam Hùng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp cho các bác sĩ lâm sàng tim mạch trong việc nghiên cứu theo dõi, điều trị, quản lý, dự phòng ngăn chặn các biến chứng của bệnh nhân có bệnh lý suy nút xoang, tổn thương nút nhĩ thất và cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.
Còn bác sĩ Trần Văn Trung, Trưởng khoa Nội Trung cao, BVĐK tỉnh cho rằng, áp dụng thành công kỹ thuật thăm dò chức năng nút xoang, nút nhĩ thất và cắt cơn nhịp nhanh trên thất bằng máy kích nhĩ qua thực quản đánh dấu sự phát triển về lĩnh vực Nhịp học của tỉnh nhà, vì đây là kỹ thuật chuyên sâu trước đây chỉ có ở các trung tâm tim mạch lớn.
Tại Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chỉ tính bệnh nhân có rối loạn nhịp tim chậm hoặc nhanh đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 ngàn người mỗi năm. “Hiện nay, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã tách hẳn hội về Nhịp học, các bệnh viện đã hình thành khoa Nhịp học để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Đây là một hướng đi rất cần thiết trước diễn biến phức tạp của bệnh lý tim mạch” - bác sĩ Trung nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG
“Rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành và mổ tim hở là 3 mũi nhọn trên lĩnh vực tim mạch của BVĐK tỉnh, dù “đi sau” 2 đầu đất nước nhưng cũng đã phát triển vững chắc. Nếu đơn vị nào cần, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện chuyển giao. Đồng thời, đề nghị quỹ BHYT thanh toán để người dân hưởng lợi. Chúng tôi cũng sẽ tính toán, mua sắm một máy thăm dò điện sinh lý tim, giúp phát triển hơn nữa các kỹ thuật tim mạch”.
Bác sĩ HỒ VIỆT MỸ, Giám đốc BVĐK tỉnh