Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 mở màn với những tác phẩm ấn tượng
Đến tham dự lễ khai mạc có ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam; Nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga; Nhà soạn nhạc, giáo sư Isao Matsushita – Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL); PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016”.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Việt Nam được vinh dự đăng cai Festival Âm nhạc mới Á-Âu. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà soạn nhạc trong và ngoài nước vào khả năng tổ chức thành công 1 sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế. Festival năm nay với chủ đề “Âm nhạc – Hội tụ và lan tỏa” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội và thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 12-18.10 với sự tham dự của 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 30 quốc gia của hai châu lục Á – Âu.
Khai mạc "Festival Âm nhạc mới Á-Âu".
Gần 100 tác phẩm sẽ được biểu diễn trong 11 buổi hòa nhạc chính với các thể loại từ Giao hưởng, Thính phòng, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng đến ca khúc nhạc đại chúng. Đây là cơ hội thuận lợi để giới thiệu những thành tựu của nền âm nhạc cách mạng, âm nhạc mới của Việt Nam, quảng bá những tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Festival còn là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài giới thiệu những tác phẩm âm nhạc đương đại, những xu hướng phát triển âm nhạc của các nước Á - Âu. Bên cạnh đó, là dịp để bạn bè hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam, về nền văn hóa, âm nhạc lâu đời của dân tộc ta, góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy.
Phát biểu khai mạc “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016”, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch các Hội Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Nhà thơ Nguyễn Trãi đã từng viết, thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Festival âm nhạc Á-Âu là dịp để chúng ta giao lưu, giới thiệu những thành tựu âm nhạc chuyên nghiệp và đỉnh cao. Một lĩnh vực đòi hỏi sự lao động nghệ thuật vất vả, miệt mài và không ngừng thu được những giá trị đổi mới.
Không có loại hình nghệ thuật nào có được sức mạnh truyền cảm huyền diệu như âm nhạc. Cùng một lúc, khán giả Hà Nội, Moscow, Tokyo… có thể cùng chung nghe một bản nhạc mà không cần phải dịch, và cũng có thể cùng hát lên giai điệu vang dội của bản hùng ca hướng tới niềm vui. Với truyền thống mến khách, yêu âm nhạc của công chúng Việt Nam, với tài năng và nghệ thuật của các nghệ sĩ, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, sự kiện âm nhạc quan trọng lần này sẽ thành công tốt đẹp. Chúc cho âm nhạc mãi mãi là nhịp cầu nối giá trị giữa các dân tộc và nối các trái tim gần thêm với trái tim”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh.
Ngay sau lễ khai mạc là chương trình hòa nhạc giao hưởng giới thiệu 11 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ các nước, gồm: Giao hưởng “Phù điêu khắc đồng” (Rashid Kalimullin, Nga), "Hồi ức" (Marc Battier, Pháp), "7 ý nghĩ" (Shai Cohen, Israel), "Bài ca về kỷ nguyên mới" (Mak Yui-kan Raphael, Hong Kong), "Vistara" (Jun HyunSuk, Hàn Quốc), “Incident Tableaux” (Chris Gendall (New Zealand), "Khí trời" (Isao Matsushita, Nhật Bản), "Những cái bóng” (Richard Tsang, Hong Kong, Trung Quốc), “Cụ Rùa" (Robert Casteels, Singapore), Trích đoạn vở Opera "Lá Đỏ" (Đỗ Hồng Quân, Việt Nam), "Thăng Long ngàn năm hội ngộ" (Nguyễn Thiếu Hoa, Việt Nam).
Ấn tượng nhất trong chương trình hòa nhạc lễ khai mạc là tác phẩm “Cụ Rùa” do nhạc soạn nhạc Singapore Robert Casteels sáng tác với niềm yêu mến Việt Nam và cây đàn bầu. Robert Casteels cho biết, tác phẩm “Cụ Rùa” lấy cảm hứng từ kỷ niệm nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông cảm nhận được lòng tốt của con người và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam. Ông đã bị lôi cuốn bởi âm sắc buồn rất riêng của Đàn Bầu, và những quãng ngắn của loại nhạc cụ này. Ông chọn truyền thuyết Vua An Dương Vương và Vua Lê Thái Tổ là cơ sở chính của tác phẩm với sự tích trả gươm báu.
Đại diện Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giới thiệu trích đoạn trong vở nhạc kịch “Lá đỏ”. Nhạc kịch “Lá đỏ” là câu chuyện kể về tình yêu lãng mạn trong chiến tranh và sự hy sinh bi tráng của những con người trẻ tuổi vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước gồm 4 trích đoạn. Vở nhạc kịch "Lá đỏ" từng được công diễn tại Hà Nội vào tháng 5.2016 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honda Tetsuji và tháng 9.2016 với sự chỉ huy của tác giả - nhạc trưởng Đỗ Hồng Quân.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Sau đêm khai mạc này, từ ngày 13-18.10, “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” sẽ tiếp tục có các buổi biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với các thể loại, hình thức khác nhau như Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng. Toàn bộ các buổi hòa nhạc này được mở cửa miễn phí cho khán giả. Ngoài ra còn có 2 buổi hội thảo với chủ đề: “Cây đàn bầu Việt Nam” và “Giao lưu âm nhạc mới Á-Âu”.
THEO VOV.VN