Câu chuyện chính quy - tại chức!
Hiện nay, ở nước ta hệ thống đào tạo có các hệ chính quy, công lập, dân lập, tại chức nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy thời gian đào tạo có thể khác nhau nhưng yêu cầu chuẩn kiến thức vẫn phải đảm bảo theo quy định nên cũng không có sự “phân biệt đối xử” về mặt văn bằng.
Theo lẽ thường năng lực của một người phải được nhìn nhận trên cơ sở thực tế làm việc chứ không thể và không chỉ dựa trên bằng cấp. Có không ít người học tại chức đã cho thấy năng lực rất tốt trong công việc và đã thăng tiến rất vững chắc trong nghề nghiệp và chuyên môn, trong khi có rất nhiều sinh viên chính quy sau thời gian làm việc cũng không thể hiện được năng lực vượt trội so với người học tại chức.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự “kỳ thị” của nhiều cơ quan tuyển dụng đối với tấm bằng tại chức đã trở thành một tiêu điểm của dư luận. Nhiều cơ quan nhà nước khi tuyển dụng đã công bố yêu cầu đầu tiên là chỉ nhận ứng viên có bằng đào tạo hệ chính quy, không nhận bằng tại chức. Trong khi đó thực tế cho thấy hầu hết các công ty nước ngoài khi tuyển dụng không quá đặt nặng việc ứng viên có bằng cấp gì, điều mà họ quan tâm hàng đầu là ứng viên đó có làm được việc và đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng đặt ra hay không.
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề sự “phân biệt đối xử” giữa chính quy và tại chức, theo cả hai hướng thuận và nghịch, với những lý lẽ đưa ra khá xác đáng. Phía tán thành thì cho rằng như thế là đúng vì hệ đào tạo tại chức chất lượng kém hơn nhiều so với chính quy. Phía ngược lại thì cho rằng việc từ chối không nhận tại chức là cách nhìn thiếu khách quan vì một người được đào tạo chính quy mà không cập nhật kiến thức mới cũng sẽ tụt hậu liệu có hơn người học tại chức có chí tiến thủ không!
Ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều người không có điều kiện học chính quy nên phải vừa học vừa làm. Trong số đó có rất nhiều người có tinh thần cầu tiến, ý chí phấn đấu học tập rất cao, có năng lực thực sự. Nếu những người này không được tuyển dụng vào bộ máy nhà nước thì cũng có nghĩa là chúng ta đã lãng phí nhân tài, đã để chảy máu chất xám rất đáng tiếc.
Trong một xã hội công bằng và bình đẳng thì cơ hội cần được chia đều cho mọi người, và ai giỏi hơn người đó cần được trọng dụng. Nhà tuyển dụng nên coi trọng chất lượng thực tiễn hơn là chỉ quan tâm đến bằng cấp, không nên đặt ra quy định tuyển tại chức hay chính quy. Việc “phân biệt đối xử” chỉ dựa vào bằng cấp có thể dẫn đến sự thiếu khách quan và công bằng. Vì vậy, có lẽ tốt hơn cả là cần có một quy trình tuyển dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch bằng việc tổ chức một cuộc thi sát hạch để chọn ra những người có năng lực thực sự. Theo đó, từ nhận hồ sơ đến phỏng vấn phải là quá trình diễn ra công khai, khách quan. Cuộc sàng lọc phải thật sòng phẳng và công bằng, dù là tại chức hay chính quy cũng đều phải chứng minh năng lực của mình.
Một vấn đề khác cũng cần phải chấn chỉnh là nâng cao chất lượng đào tạo, bất kể là ở cấp độ nào, hệ đào tạo nào. Đặc biệt là chấm dứt tình trạng “học tại chức” tràn lan của các đối tượng không phải diện tại chức đi học như lâu nay, kể cả việc đi học tại chức chỉ để hợp pháp hóa chức danh chứ không phải là bổ sung kiến thức.
Và cuối cùng, khâu tuyển dụng “đầu vào” chỉ là cửa ải đầu tiên. Cơ quan nhà nước cần áp dụng cơ chế đánh giá hiệu quả công việc thường xuyên để tránh tình trạng chỉ có vào mà không có ra, chỉ có lên chứ không có xuống thì câu chuyện chính quy hay tại chức không còn là điều phải quan tâm như hiện nay.
Hải đăng
Theo em các nhà tuyển dụng hãy cho phép hê tại chưc và hệ chính qui được cạnh tranh một cách công bằng và sòng phẳng Thực tế cho thấy có nhiều người có bằng tại chức nhưng năng lực làm việc và phẩm chất nghề nghiệp của họ rất giỏi Lý thuyết là cụm từ mù mịt THực tế là cây đời mãi mãi xanh tươi Hãy tạo điều kiện cho các bạn tạo chức được cạnh tranh một cách công bằng,sòng phẳng với hệ chính qui,Hãy tạo điều kiện để những người có năng lực thật sự cống hiến cho đất nước,Bằng tại chức hay chính qui suy cho cùng cũng chỉ là tờ giấy,quan trọng là chủ nhân của tờ giấy đó là ai Điều đăc biệt hơn nưa,gần đây một số báo chí đưa tin,những người có tiền họ có thể mua bằng chính qui mà?
Không nên quy hoạch cán bộ học tại chức vào các vị trí lãnh đạo từ Trưởng phòng Sở trở lên