Cây xương rồng
Truyện ngắn của O. Henry
O.Henry (1862-1910), nhà văn Mỹ, là một trong những bậc thầy truyện ngắn của thế giới. Truyện của ông vừa hóm hỉnh, khôi hài, lại vừa man mác ý vị trữ tình với nhiều tình tiết bất ngờ, tạo nên sức hấp dẫn và sự lôi cuốn mạnh mẽ đối với người đọc. Trong sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi của mình, ông đã để lại gần 400 truyện ngắn, khái quát một phạm vi rộng lớn bức tranh đời sống của xã hội Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ lâu, bạn đọc ở Việt Nam quen thuộc với O.Henry qua những truyện ngắn nổi tiếng như: “Chiếc lá cuối cùng”, “Sau hai mươi năm”, “Món quà của thầy pháp”… Dưới đây, xin giới thiệu thêm một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông, truyện “Cây xương rồng”.
Điều đáng nói nhất về thời gian là nó hoàn toàn có tính tương đối. Phần lớn những hồi tưởng, theo nhìn nhận chung, dành cho những người sắp chết đuối; và quả thật, người ta có thể xét lại toàn bộ cuộc tình chỉ trong thời giờ tháo đôi găng tay. Đấy là việc Trysdale đang làm, lúc anh đứng cạnh chiếc bàn trong căn hộ dành cho người độc thân của mình. Trên bàn có một cây xanh trồng trong cái chậu bằng đất nung màu đỏ. Đó là một loại xương rồng, có những chiếc lá dài, tơ mượt, đong đưa không ngừng trong làn gió nhẹ với những chuyển động cực kỳ lôi cuốn.
Người bạn của Trysdale, anh trai của cô dâu, đứng cạnh tủ búpphê phàn nàn vì phải uống rượu một mình. Cả hai đang mặc lễ phục. Những phù hiệu trắng giống những ngôi sao trên áo của họ, chiếu sáng cảnh tối tăm trong căn hộ.
Trong khi Trysdale chậm rãi mở khuy cho đôi găng tay, tâm trí anh nhanh chóng xót xa hồi tưởng những giờ phút vừa rồi. Dường như, mũi của anh vẫn còn vương mùi hương từ những bông hoa xếp đầy nhà thờ, và tai anh vẫn ngân nga hàng ngàn giọng hát, tiếng sột soạt của áo quần thô cứng và dai dẳng nhất là những lời ê a của vị mục sư đang buộc đời nàng vĩnh viễn vào một người khác.
Từ cái nhìn cuối vô vọng này, anh vẫn cố gắng, như một thói quen của tâm trí, để giải thích vì sao và làm thế nào anh đánh mất nàng. Hiện thực khắc nghiệt khiến anh choáng váng, đột nhiên, anh thấy mình đối diện với điều từ trước đến nay anh chưa từng gặp - bản thể của hồn anh, nguyên sơ và thuần khiết. Anh thấy mọi lớp vỏ bọc của trò giả vờ và tính ích kỷ mà anh từng khoác lấy, biến thành mớ giẻ rách nực cười. Anh rùng mình với ý nghĩ, trước giờ, trong con mắt người khác, lớp vỏ bọc của linh hồn anh hẳn hiện ra đầy hổ thẹn và xơ xác. Sự phù phiếm và tính tự đại? Đấy là những điểm yếu của anh. Nàng chẳng bao giờ như thế! Nhưng tại sao…
Khi nàng chậm rãi đi giữa hai hàng ghế đến bục làm lễ, anh cảm thấy một niềm hoan hỉ đáng hổ thẹn, vẫn thường nâng đỡ anh. Anh tự nhủ, vẻ nhợt nhạt của nàng bắt nguồn từ ý nghĩ về người đàn ông khác chứ không phải là người nàng sẽ trao cuộc đời mình. Nhưng ngay cả điều an ủi đáng thương ấy cũng không còn mãi. Vì, khi anh thấy nàng thoáng ngước nhìn người đàn ông nắm tay nàng, anh tự biết mình đã bị quên lãng. Cái nhìn đó, đã từng trao cho anh, và anh nhận ra ý nghĩa của nó. Chắc hẳn, tính tự phụ của anh đã sụp đổ, mọi chống đỡ không còn. Thế tại sao mọi thứ lại kết thúc? Chẳng có cuộc cãi vã nào giữa hai người, chẳng có gì cả.
Hàng nghìn lần, anh kiểm nghiệm lại trong đầu mình những sự kiện diễn ra mới được vài ngày, song mọi thứ bỗng dưng thay đổi chóng vánh.
Nàng luôn tôn sùng anh và anh đón nhận điều đó với lòng kiêu hãnh. Những lời tán tụng ngọt ngào nàng dành cho anh, thật bình thường (anh tự nhủ vậy), trẻ con, trìu mến, và cũng đầy chân thành (anh từng đoán chắc như thế). Nàng gán cho anh những phẩm chất, tài năng xuất chúng, gần như siêu việt. Và anh tiếp nhận sự tôn sùng ấy như sa mạc ngấm hết cơn mưa, vỗ về nó, mà không hứa sẽ trổ bông hay kết trái.
Khi Trysdale kéo mạnh chiếc găng tay còn lại, thói tự kiêu đáng thương và xuẩn ngốc của anh lại hiển hiện trước mắt. Đấy là một buổi tối, khi anh huyên thuyên với nàng đến tận mây xanh về sự vĩ đại của mình. Còn giờ, vì đau đớn anh không thể cho phép tâm trí mình quẩn quanh trong hồi ức về vẻ đẹp rạng ngời của nàng trong đêm ấy: mái tóc gợn sóng, sự dịu dàng, vẻ hấp dẫn thuần khiết trong ánh mắt và ngôn ngữ. Nhưng nhiêu đó chưa đủ. Chúng còn gợi anh nhớ lại những lời nói. Trong buổi chuyện trò giữa họ, nàng bảo:
- Thuyền trưởng Carruthers nói với em rằng: anh nói tiếng Tây Ban Nha như người bản xứ. Sao anh lại che giấu khả năng này với em? Có điều gì mà anh không biết sao?
Và giờ, Carruthers là một thằng ngốc. Chắc chắn Trysdale đã phạm sai lầm (thỉnh thoảng anh lại như thế) khi thốt lên tại một hộp đêm câu châm ngôn bằng tiếng Tây Ban Nha cổ moi từ mớ hổ lốn ở bìa sau các quyển từ điển. Carruthers - một trong những người hâm mộ anh cuồng nhiệt, chính là người đã tán dương quá đáng sự thông thái đáng ngờ đó.
Nhưng than ôi! Những lời tán dương bắt nguồn từ sự hâm mộ của nàng luôn ngọt ngào và đầy quyến dụ. Anh chấp nhận lời gán ghép mà không cải chính, không phản ứng gì. Anh ưng thuận việc nàng bện quanh trán anh vòng nguyệt quế giả tạo của sự thông thái. Anh để nó ban vinh dự cho cái đầu hãnh tiến của mình, và trong cái xoắn nhẹ của chiếc vòng ấy, anh không cảm thấy nhói buốt bởi chiếc gai đâm vào anh sau này.
Nàng thật vui tươi, bẽn lẽn và thẹn thùng! Nàng run rẩy như con chim bị giăng lưới khi anh thể hiện trước mắt nàng sự giỏi giang của mình. Hẳn anh đã chắc chắn, và giờ vẫn có thể chắc chắn, sự ưng thuận hiện rõ trong mắt nàng. Nhưng, vì xấu hổ nàng không trực tiếp ngỏ lời với anh. “Ngày mai em sẽ trả lời anh”, nàng bảo. Và anh, kẻ chiến thắng tự tin, độ lượng, vui vẻ chấp nhận sự trì hoãn ấy.
Ngày tiếp theo, trong căn phòng nhỏ, anh sốt ruột đợi câu trả lời. Đến trưa, người giữ ngựa của nàng đến phòng anh và để lại một cây xương rồng kỳ lạ trong cái chậu bằng đất nung màu đỏ. Không một bức thư, không một lời nhắn, chỉ một mảnh giấy buộc vào cây, viết bằng tiếng nước ngoài tên loài thực vật. Anh đợi đến đêm, nhưng vẫn không thấy câu trả lời của nàng. Niềm kiêu hãnh và lòng tự cao bị thương tổn, ngăn anh đi tìm nàng. Rồi hai đêm sau đó, họ gặp nhau tại một bữa tiệc. Họ chào nhau theo lệ thường, nhưng nàng nhìn anh, hồi hộp, băn khoăn, háo hức. Anh nhã nhặn, kiên quyết đợi lời nàng giải thích. Bằng sự nhạy cảm, nàng đoán ra điều đó, và nàng bỗng lạnh lùng như băng. Cứ thế, họ dần rời xa nhau. Anh đã mắc lỗi ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Giờ này, thật nhún nhường, anh tìm câu trả lời giữa sự sụp đổ của tính tự phụ.
Giọng của một người đàn ông trong phòng, chen ngang vào suy nghĩ của anh, làm anh giật mình.
- Này, Trysdale, có chuyện gì thế? Cậu có vẻ không vui, cứ như lẽ ra chính cậu mới là người cưới vợ, thay vì chỉ đóng vai phụ. Nhìn tớ này, một kẻ đóng vai phụ khác, đã đi hai nghìn dặm trên con tàu chở chuối bốc mùi tỏi và gián khắp Nam Mỹ để nhắm mắt làm ngơ trước sự hy sinh. Hãy xem, gánh nặng của tớ chất trên vai này mới nhẹ làm sao! Tớ chỉ có một đứa em gái, và giờ nó đã lấy chồng. Đến đây, uống một chút cho quên sầu nào.
- Giờ này tớ không muốn uống, cảm ơn!. Trysdale đáp lời.
Anh bạn đến gần anh, tiếp lời:
- Rượu của cậu chán quá. Thỉnh thoảng xuống Punta Redonda để gặp tớ và thử mấy thứ cụ Garcia mang lậu vào. Đó là chuyến đi thú vị lắm. Này! Đây là một thứ rất quen. Cậu đào đâu ra cây xương rồng này thế, Trysdale?
- Một món quà. Trysdale nói. - Từ một người bạn, không biết thuộc loài nào?
- À. Nó là một loài thuộc miền nhiệt đới, mọc đầy quanh vùng Punta. Tên của nó ghi trên mẩu giấy đính kèm. Có biết từ Tây Ban Nha nào không, Trysdale?
- Không! Trysdale nói, với cái mỉm cười đầy cay đắng. - Tiếng Tây Ban Nha phải không?
- Đúng thế. Người dân bản xứ hình dung những chiếc lá của nó vươn dài và ra hiệu cho mọi người. Họ gọi nó bằng cái tên “Ventomarme”, tiếng Anh có nghĩa là: “Đến và đưa em đi”.
LÊ MINH KHA
(dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The Cactus” của O. Henry)