Báo động tai nạn lao động gia tăng
Xảy ra 4 vụ tai nạn lao động (TNLÐ) làm chết 4 người chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua (giữa tháng 6 đến đầu tháng 7.2013) trên địa bàn tỉnh, đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội. Thực trạng này, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn lao động tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng dân dụng.
Điển hình là vụ TNLĐ xảy ra vào trưa 14.6, tại Cụm công nghiệp Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh) làm anh Lê Thanh Quý (SN 1982, ở thôn An Trạch, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) chết trên đường đi cấp cứu. Hai tuần sau, khoảng 17 giờ ngày 29.6, tại công trình xây dựng mở rộng QL19 đoạn gần cầu Hà Thanh 5, thuộc phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), anh Lê Minh Thân (SN 1969, ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), công nhân đang thi công công trình này trong lúc lặn trải bạt chống thấm công trình đã bị tai nạn đuối nước, khi đồng nghiệp phát hiện đưa lên bờ cấp cứu thì đã muộn.
Trong 4 vụ TNLĐ diễn ra chưa đầy tháng qua, thương tâm nhất là vụ tai nạn dẫn đến cái chết của anh Cao Phạm Minh Tường (SN 1992, ở KV1, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn). Trưa ngày 3.7, trong lúc xây nhà tại thôn 2, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, anh Tường đã bị điện giật bị thương nặng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, đồng nghiệp đã đưa anh Tường đi cấp cứu nhưng chưa đến bệnh viện anh đã chết.
Theo thống kê sơ bộ từ Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 36 vụ TNLĐ làm chết 5 người, bị thương 33 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn chết người tăng 5 vụ và tăng 5 người chết.
Đã một tháng rưỡi trôi qua, kể từ ngày anh Trương Văn Kiệt (SN 1965, trú tại thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) qua đời do ngã giàn giáo trong lúc xây nhà tại một gia đình ở Phú Tài, nhưng đến nay, chị Huệ (vợ anh Kiệt) vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Chị Huệ kể lại: “Trưa hôm đó (ngày 31.5-NV), mọi người đang chuẩn bị ăn trưa, đợi mãi không thấy ảnh vào nên tôi ra tìm thì mới phát hiện anh Kiệt nằm bất động dưới nền đất. Chúng tôi đưa ảnh lên bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng nên sau một tuần anh ấy trút hơi thở cuối cùng”.
Qua tìm hiểu, phần lớn nạn nhân trong các vụ TNLĐ là lao động tự do; những người làm việc ở các doanh nghiệp có môi trường, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến đá… nhưng không được hưởng các chính sách về lao động; không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, không được cấp thiết bị, trang phục bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, người lao động làm việc trong điều kiện máy móc cũ kỹ, lạc hậu không đảm bảo an toàn nhưng lại không được duy tu, bảo dưỡng khiến họ luôn đối mặt với những rủi ro về tai nạn… Mặt khác, công tác quản lý, thanh tra lao động của Sở LĐ-TB&XH còn chưa chặt, công tác cấp phép xây dựng công trình của Sở Xây dựng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến TNLĐ gia tăng trong thời gian qua.
TRỌNG LỢI