Ðồng hành & Kiến tạo
Đó là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” tối 11.10, nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13.10). Hiện nay, nước ta có gần 600 ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, riêng 9 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 91.000 DN đăng ký thành lập mới. Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu DN.
Với 608 DN được thành lập mới trong năm 2016, tính đến thời điểm này Bình Định đã có trên 5.300 DN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế tại địa phương. Trong những năm gần đây, DN Bình Định đã và đang nỗ lực vươn lên để hội nhập và phát triển với nền kinh tế của đất nước và quốc tế. Hiện nay, hàng hóa của các DN trên địa bàn Bình Định, sản phẩm của DN Bình Định không chỉ xuất hiện rộng rãi ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục.
Thông điệp của Thủ tướng cũng là vấn đề đã và đang được lãnh đạo tỉnh Bình Định hết sức quan tâm trong việc hỗ trợ DN ở địa phương. Trong thời gian qua, Bình Định là một trong các địa phương nằm trong tốp các tỉnh khá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong cả nước và nằm ở tốp dẫn đầu khu vực. Mới đây tỉnh cũng đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc hỗ trợ DN. Nỗ lực của tỉnh Bình Định trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế “mở” để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư tại tỉnh bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng phổ biến của DN ở Bình Định là quy mô nhỏ, bình quân vốn của một DN chưa đến 10 tỉ đồng. Tiềm lực yếu nên sức cạnh tranh của DN Bình Định còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để cải thiện tình hình, trong thời gian đến tỉnh phải tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ sản xuất hiện đại để tạo sự đột phá mạnh mẽ hơn.
Trả lời phỏng vấn mới đây của Báo Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, để thiết thực hỗ trợ DN tỉnh sẽ rà soát lại cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, giải quyết nhanh vấn đề giao đất cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là “tỉnh sẽ luôn đồng hành với DN để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhằm giúp nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh”. Có thể nói định hướng trên của Bình Định chính là sự cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với DN.
Trong bối cảnh cả nước dấy lên tinh thần khởi nghiệp, hướng đến mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, Bình Định còn nhiều việc phải làm để hòa chung vào dòng chảy này. Với mức bình quân 100 người dân có một DN của cả nước thì bình định cần phải có thêm khoảng 10.000 DN trong 4 năm tới. Đây vừa là một thách thức lớn cho tinh thần khởi nghiệp của người bình định, vừa là trách nhiệm lớn về tinh thần kiến tạo đặt ra cho chính quyền tỉnh Bình Định.
Với tinh thần “đồng hành” và “kiến tạo”, hy vọng rằng cộng đồng DN Bình Định sẽ tiếp tục lớn mạnh và phát triển, góp phần xứng đáng vào sự thịnh vượng của Bình Định trong thời gian tới.
H.Đ