“Sống để chia sẻ”
Đó là chủ đề của ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay, được công bố tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (13.10), do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức tại Quảng Nam ngày 13.10 vừa qua. Đây là hoạt động mang ý nghĩa cộng đồng trách nhiệm, góp phần nâng cao nhận thức một cách sâu sắc, toàn diện hơn về một thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm họa; qua đó tăng cường khả năng phối hợp hoạt động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cũng trong dịp này, Báo cáo thảm họa thế giới năm 2016 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cũng đã được công bố. Theo báo cáo, trong năm qua có tới 98,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai và thảm họa trên toàn cầu. Đây cũng là năm được ghi nhận là nóng nhất kể từ năm 1880 đến nay, với nhiệt độ trung bình cao kỷ lục, gây ra 32 trận hạn hán lớn. Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu từ 10 đến 15 cơn bão, lũ lụt, ảnh hưởng 50% diện tích đất đai và 70% dân số ở các vùng trọng điểm thiên tai.
Trước những tác động to lớn của thiên tai, chủ đề “Sống để chia sẻ” của ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay và thông điệp “Cộng đồng an toàn: Bảo vệ cuộc sống hôm nay là đầu tư cho tương lai” của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là lời nhắc nhở, kêu gọi mỗi cá nhân hãy chia sẻ những kiến thức, bài học, kinh nghiệm mà bản thân có được trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa cho cộng đồng nhằm giảm thiểu những thương vong có thể xảy ra.
Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 10-15 cơn bão, lũ, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số Việt Nam ở những vùng trọng điểm thiên tai. Là tỉnh ven biển miền Trung, Bình Định là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai do mưa bão gây ra, cũng là một trong những địa phương chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng nước biển dâng cao. Đây là thực trạng đáng lo ngại đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Mới đây, Liên hiệp quốc đã đưa ra khuyến cáo nhân ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay. Theo đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội thì các quốc gia, các cộng đồng dân cư phải đặc biệt chú ý đến công tác phòng ngừa, phải xác định rõ phòng ngừa là giải pháp ưu tiên hàng đầu chứ không phải là sự ứng phó.
Trong phòng ngừa, việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên như bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên hợp lý, tránh can thiệp thô bạo vào các hình thái tự nhiên, giảm lượng phát thải… có vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy các hậu quả thiên tai ngày càng nghiêm trọng và cực đoan đều có tác động của chủ quan con người: Việc phá rừng bừa bãi là nguyên nhân của tình trạng lũ lụt, hạn hán chưa từng có trong những năm gần đây; việc san lấp bừa bãi, xây dựng ồ ạt dẫn đến phá vỡ địa hình, địa mạo tự nhiên là nguyên nhân dẫn đến ngập úng ngày càng nghiêm trọng ở các đô thị; việc phát thải gây ô nhiễm không khí đẫn đến hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên…
Bảo vệ thiên nhiên, phòng ngừa thảm họa do thiên tai chính là bảo vệ sự sống trên trái đất này. Để bảo vệ sự sống rất cần sự chia sẻ về trách nhiệm và hành động của mỗi cá nhân và cả cộng đồng!
HẢI ÐĂNG