Chấn chỉnh hiện tượng “giờ dây thun” tại UBND cấp xã
Ngày 12.10, Ðoàn kiểm tra liên ngành do Sở Nội vụ chủ trì về kiểm tra đột xuất việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và kỷ cương, kỷ luật, văn hóa công sở tại một số UBND các xã thuộc huyện Hoài Ân, đã phát hiện một số cán bộ UBND xã đi muộn, về sớm. Thậm chí có người còn tỏ ra khó chịu khi “bị” hỏi. Và đây không phải hiện tượng hiếm gặp ở UBND cấp xã.
Đúng 11 giờ 1 phút trụ sở UBND xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, không còn một bóng người (ảnh chụp ngày 20.9).
Theo quy định hiện hành, thời gian làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước, gồm cả UBND cấp xã: Buổi sáng, bắt đầu từ 7 giờ kết thúc lúc 11 giờ 30 phút; buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ (trừ ngày nghỉ theo quy định).
Nhưng thực tế ở tỉnh ta, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) thuộc UBND cấp xã, đặc biệt vùng miền núi, vùng cao, vùng xa, làm việc theo “giờ dây thun” còn khá phổ biến. Đi muộn, về sớm. Thậm chí, từng đi công tác ở nhiều xã, tôi thấy rằng dù đang trong giờ làm việc, một số trụ sở UBND xã đã không còn cán bộ nào. Điển hình, ngày 20.9.2016, khi đến liên hệ công tác tại trụ sở UBND xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, vào lúc 10 giờ 45 phút, chỉ có hai cán bộ thuộc bộ phận Công an xã và Văn phòng UBND xã. Các phòng làm việc còn lại đều đã “cửa đóng then cài”. Đúng 11 giờ hai cán bộ này cũng đóng cửa về nốt.
Hay trong đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5.2016 vừa qua, theo quy định, cán bộ được nghỉ từ ngày 30.4 đến hết ngày 3.5, vậy mà tại UBND xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), mới 10 giờ 10 phút ngày 29.4, các phòng: Tiếp nhận và trả hồ sơ, Văn phòng UBND xã (công dân thường lui tới ký giấy tờ, văn bản), phòng Chủ tịch UBND và Phó chủ tịch UBND xã... đều đóng cửa. Phóng viên thắc mắc thì được một cán bộ xã giải thích: Lãnh đạo xã người đi học, người đi họp; một số cán bộ đi thu quỹ. Còn bộ phận văn phòng, tiếp dân, tư pháp vì sao lại đóng cửa – bản thân anh này cũng không rõ lý do.
Còn tôi, qua nhiều lần đi công tác cơ sở, đã rút ra “mẫu số chung”: Tại UBND cấp xã miền núi như Canh Thuận, Canh Liên (huyện Vân Canh); xã Đắc Mang, Bok Tới (huyện Hoài Ân) hay UBND xã An Toàn (huyện An Lão)... việc cán bộ xã ra về sớm là... chuyện thường ngày. Buổi chiều, tầm từ 15 giờ trở đi có nơi đã “tan sở”. Một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Hoài Ân có lần dặn: “Muốn làm việc với UBND xã Đắc Mang, Bok Tới phải làm vào buổi sáng, chứ buổi chiều gần như chẳng còn ai”.
Việc cán bộ xã làm việc “giờ dây thun” không chỉ làm giảm hiệu quả xử lý công việc của nhà nước, mà còn khiến công dân bức xúc khi phải đi lại 3-4 lần để làm các thủ tục như chứng thực, ký hồ sơ xin việc làm, hồ sơ nhập học, đăng ký kết hôn… chỉ vì cán bộ xã “thoắt ẩn thoắt hiện”. Một số trường hợp đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của công dân.
Ngày 11.10, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu về cải cách hành chính và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước các cấp bằng các quy định cụ thể như: không làm việc riêng trong thời giờ làm việc hành chính; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực...
Hy vọng, thời gian tới, việc thực hiện kỷ cương, cải cách hành chính tại các cơ quan nhà nước nói chung và tại UBND các xã nói riêng sẽ được chấn chỉnh nghiêm túc hơn. Nhưng thiết nghĩ, cơ quan trực tiếp kiểm tra thủ tục cải cách hành chính nên tăng cường “vi hành”, xử phạt nghiêm cán bộ vi phạm để làm gương. Có vậy, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và cán bộ thực thi nhiệm vụ sẽ cao hơn.
C.LUẬN