Thư của biển
Trong những khoảng rộng của căn nhà gió lộng, của khu vườn, hay một con đường dài, một bức thư sẽ được gửi đến và sẽ nói giùm điều thầm thì gởi trao. Nhiều khi thủ thỉ cùng những bức thư như một người tình. Khi trò chuyện với những bức thư, ta sẽ thấy thật nhẹ nhàng. Những bức thư nằm ở một nơi nào đấy, trong một chiếc hộp xinh xắn, một góc bàn, một góc phòng hay trên tủ sách… Đôi khi ta sẽ là người viết những dòng chữ đầu tiên lên trang thư, có lúc ta lại là người mở nhè nhẹ từng phần hồi hộp.
Một cách rất cổ điển, nhưng lại đáng yêu. Rất khó để tìm ra một hộp thư đã xỉn màu, và cũng rất khó để có ngôi nhà nào còn lại cách đưa thư truyền thống như thế ở thành phố nhỏ thơm mùi biển. Họa chăng là những bạn trẻ lãng mạn yêu nhau rồi viết thư tỏ tình, hay những tâm hồn ngại ngùng e ấp ít dám thổ lộ nên thường dùng thư “thay lời muốn nói”…
Nhưng không vì thế mà người ta bớt lãng mạn hơn, không vì thế mà người ta trở nên vồ vập vội vã hơn bằng email, bằng điện thoại, hay tin nhắn vội vàng trên facebook. Tâm hồn chân chất nồng hậu kia có thể ngại ngần mà chẳng viết thư, họ có thể tặng nhau nhiều thứ hơn thế nữa. Như cái dài rộng của bờ biển, như bao la của đất trời, như hài hòa nhịp nhịp của đại dương; ta sẽ rất vui lòng đón nhận những “bức thư” viết nhiều năm, ẩn sâu dưới đáy nước xanh xanh ngọc bích; ta sẽ thấy cái du dương trong nhịp điệu của từng “bức thư”; ta sẽ cảm nhận được bao la những điều gom góp trong từng giây phút “đọc” nó. “Thư của biển” chính là vỏ ốc. Vỏ ốc biển.
Khi còn nhỏ, ta vẫn thường đi dọc bờ biển mà tìm kiếm những vỏ ốc đáng yêu. Lớn lên, một cách vô thức, ta thường tặng bạn bè nơi xa một vỏ ốc để nghe lời thầm thì của đại dương, nghe lời của gió hát, và nghe trái tim bập bềnh nhịp biển. Một người bạn lâu ngày không gặp từ nơi rừng xanh bạt ngàn dã quỳ xuống miền biển nhỏ hanh hao nắng, biết tặng bạn gì đây, biết gửi cho bạn gì đây một món quà ẩn chứa những lời yêu thương chân thành ngoài những chiếc vỏ ốc mang âm vang biển giản dị. Và nếu ai đó đi xa, mang về cho ta một vỏ ốc nhỏ đáng yêu, ta cũng sẽ nhẹ nhàng áp vỏ ốc vào tai, nhắm mắt và lắng nghe bằng trái tim thật trọn vẹn.
“Vỏ ốc, đó là lời nói ra…”(*). Khi “đọc” những bức thư bằng âm thanh, bạn thấy rất lạ. Niềm vui thích đó sẽ theo bạn rất lâu. Một bức thư có cả nắng vàng, có cả sóng xanh, có bước chân in hằn trên cát, có vị mặn mòi. Và điều quan trọng hơn, khi ta mang tặng những vỏ ốc biển, ta cũng đã trao một bức thư “âm thanh” thật ý nghĩa. Vốn dĩ sự hài hòa của đất trời cao rộng, của cả vũ trụ mênh mông lẫn trong nhau. Lắng nghe từ vỏ ốc biển cũng là lắng nghe sự hài hòa đó. “Và cứ thế, từ vỏ ốc này sang vỏ ốc khác… đến với cái cội nguồn”(**).
Rồi từ đó, theo chân những người bạn, theo chân những người khách phương xa, vỏ ốc luôn là một món quà ý nghĩa, một bức thư của sự hân hoan chào đón về miền biển cả nắng gió. Bức thư đó chứa những thông điệp yêu thương. Như từng bậc thang nhỏ, từng xoắn ốc sẽ đưa ta tới xứ sở văn hóa diệu kỳ.
MẪU ĐƠN
(*), (**) Trích “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, tr 993, tr 992.