Những đứa con “cỏ dại”
1. Khi nghe HĐXX công bố hàng loạt các vụ cướp của, giết người dã man trên tuyến QL 19 (đoạn thuộc địa bàn huyện Tây Sơn) của Hoàng Ngọc Thịnh, 21 tuổi (quê ở xã Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tại phiên tòa xét xử lưu động do TAND tỉnh tổ chức hôm 11.7, người dự khán không khỏi rùng mình trước hành động lạnh lùng, manh động và nhẫn tâm của y. Thịnh có gương mặt sáng sủa, thư sinh, ngoại trừ đôi mắt sắc lạnh, đầy ngạo ngược, thách đố. Những cảnh sát trại giam trong phiên tòa hôm ấy cũng nhận xét rằng, thời gian bị tạm giam, Thịnh rất “lì”.
Quả thật, quan sát y trong suốt phiên tòa dài hơn 4 tiếng đồng hồ, tôi chưa thấy y một lần tỏ vẻ sợ sệt hay xúc động. Duy chỉ có lúc tự bào chữa, trình bày về hoàn cảnh gia đình, giọng y có vẻ chùng xuống khi nhắc đến bố, mẹ - những người đã bỏ mặc y sau cuộc hôn nhân tan vỡ.
2. Có lẽ những tháng ngày sống bờ sống bụi, lấy đường làm nhà, vạ vật lang thang, thêm nỗi oán hận về đấng sinh thành đã tạo cho y bản tính lì lợm đến tàn nhẫn. Đến mức vị kiểm sát viên thụ lý vụ án, cứ lắc đầu, hỏi đi hỏi lại: Lúc nào y cũng có thể đâm chém người không ghê tay. Tại sao một con người lại có thể lạnh lùng đến như thế được?
Còn tôi, tự hỏi, nếu y được nuôi dạy trong một gia đình tử tế. Hoặc giả, cha mẹ hắn tuy ly hôn nhưng vẫn thương yêu, có trách nhiệm với con, biết đâu hắn đã chẳng như vậy. Một đứa trẻ được nuôi dạy trong sự yêu thương, đùm bọc ắt hẳn sẽ có một trái tim nhân hậu, biết yêu thương và trân quý mọi người. Hẳn sẽ không nỡ lạnh lùng tước đoạt mạng sống của người khác như Thịnh, một khi đã từng trải nghiệm cảm giác được yêu thương, vỗ về và đau đớn khi thấy người mình yêu thương gặp hoạn nạn.
3. Nhưng, hình như những “đứa con cỏ dại” như Thịnh xuất hiện ngày một nhiều thêm, tỉ lệ thuận với các vụ ly hôn đang gia tăng vùn vụt. Nếu như ngày trước, ly hôn là điều cấm kỵ, là chuyện chẳng đặng đừng, thì ngày nay, ấy là chuyện thường tình. Bởi, “phải sống cho mình trước cái đã”, nhiều bạn trẻ tuyên bố trước tòa. Kết hôn tuổi 18, 19 thì đến 24, 25 tuổi đã ly hôn, cái tuổi còn quá trẻ để ý thức hết trách nhiệm làm cha, làm mẹ trước con cái. Vì vậy, con cái giao hẳn cho ông bà nội, ngoại nuôi dưỡng, còn mình phiêu bạt kiếm ăn, lâu lâu mới tạt về thăm con, dúi cho ông bà ít tiền chăm con hộ mình. Và rồi, có người khi lập gia đình mới, đã quên luôn “núm ruột” đang để lăn lóc ở nhà với cha mẹ già. Nhưng có ông bà nào thay được cha mẹ? Có đứa con nào không cần tình cảm của mẹ, cha?
4. Dĩ nhiên, không phải đứa con nào sống trong hoàn cảnh như vậy cũng đều hư hỏng cả. Song, có một sự thật hiển nhiên là rất nhiều thanh thiếu niên phạm tội thời gian qua đều xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh éo le, cha mẹ ly hôn hoặc thiếu sự quan tâm dạy dỗ.
Trong cuộc sống gia đình, không phải cặp vợ chồng nào cũng may mắn cùng nhau đi trọn một con đường. Mong rằng, dẫu cho “nửa đường đứt gánh” hoặc lập lại gia đình, đấng sinh thành đừng để con cái của mình phải bơ vơ, lớn lên như cỏ dại, tạo ra “nghiệp chướng” cho gia đình và tệ nạn cho xã hội.
NGUYỄN SƠN