“Bác sĩ” mổ… muỗi
Vào rừng lấy thân mình nhử bắt muỗi, đem chúng về thành phố để nuôi, các cán bộ tại khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn) còn gắn bó với một công việc khá đặc biệt, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và cả niềm đam mê - mổ muỗi.
Đưa muỗi lên bàn mổ
Trong căn phòng đặc biệt có nhiều dãy chứa khay nước nuôi bọ gậy, cử nhân Phan Châu Do và Phạm Quang Luận chỉnh lại thông số trên kính lúp, kính hiển vi, sắp xếp các dụng cụ: kim mổ, nước cất, nước muối sinh lý, ete, lam kính… để chuẩn bị cho kỹ thuật mổ muỗi. Trên bàn, vài con muỗi đang vo ve trong ống tuýp chuyên dụng có hai đầu nút chặt bông. Như những ca mổ khác, trước giờ mổ, các “bác sĩ” sẽ ghi lại những thông tin của “bệnh nhân” muỗi sau khi dùng một kính lúp tay soi đến từng vảy cánh, đỉnh đầu, đốt bụng… để xác định loài, tình trạng đói no của muỗi.
Một ca mổ muỗi thường diễn ra trong vòng vài phút.
- Trong ảnh: Cử nhân Phan Châu Do (trái) và Phạm Quang Luận tỉ mỉ mổ muỗi.
Công đoạn đầu tiên của mổ muỗi là gây mê. Một lượng ete vừa phải được đưa vào ống chuyên dụng. Vài giây sau, “nàng” muỗi đã chết lâm sàng. Ngay sau đó, cử nhân Phan Châu Do lẹ làng đưa muỗi lên bàn mổ. Bàn mổ của muỗi là một lam kính hình chữ nhật đã được nhỏ sẵn 3 giọt nước muối sinh lý giúp giữ nguyên dạng tế bào của muỗi. Cử nhân Do giải thích: “Mổ muỗi thực chất là đi tìm thoa trùng trong tuyến nước bọt và nang trùng ở dạ dày nhằm xác định muỗi có nhiễm ký sinh trùng sốt rét, xác định tuổi sinh lý, tuổi nguy hiểm của muỗi. Công đoạn này rất quan trọng, giúp chúng tôi đánh giá nguy cơ của vùng dịch tễ sốt rét và đưa ra cảnh báo phù hợp”.
Mắt vẫn “dán” vào ống kính lúp, hai tay cầm “dao” mổ là những cây kim nhỏ xíu, mảnh như sợi tóc, cử nhân Do mô tả tỉ mỉ các công đoạn mổ muỗi: “Trước hết, chúng tôi tách phần đầu của muỗi, khẽ cắt các tuyến nước bọt ra khỏi đầu và đưa sang giọt nước muối bên phải. Sau đó, đặt kim phải lên trên ngực muỗi, kim trái lên đốt cuối cùng và kéo dần kim sang phía trái cho đến khi dạ dày và 2 buồng trứng được lôi ra khỏi bụng muỗi. Vớt xác muỗi ra khỏi lam kính, kỹ thuật viên tách 2 buồng trứng sang giọt nước bên trái, giữ nguyên dạ dày ở giọt nước giữa”.
Mô tả khá dài dòng, cụ thể là vậy nhưng thực tế, nếu quan sát bằng mắt thường, người xem chỉ thấy các kỹ thuật viên gạt nhẹ ngón tay trên lam kính 4 lần là đã hoàn thành xong bước mổ. Quan sát ở kính hiển vi với độ phóng đại gấp hàng trăm lần, hai buồng trứng, tuyến nước bọt, dạ dày hiện lên rõ nét, nguyên vẹn. Đến lúc này, những người “ngoại đạo” được chứng kiến đã tin chắc có hẳn một đội ngũ những “bác sĩ” chuyên mổ muỗi, công việc mà mới nghe qua lại tưởng như đùa.
Đôi tay thật dẻo, đôi mắt thật tinh
Mổ muỗi được những người trong ngành đánh giá là công việc khá thú vị. “Bác sĩ giải phẫu cơ thể người thường được đào tạo chuyên sâu, chỉ có thể phẫu thuật trên một nhóm bộ phận nhất định, chứ “bác sĩ” mổ muỗi thì không một bộ phận nào trên “cơ thể” bé xíu ấy có thể làm khó. Phần nữa, mỗi ca mổ người phải có hẳn một ê kíp gần chục người. Ngược lại, ở ca mổ muỗi, kỹ thuật viên có thể thực hiện tất cả các khâu. Mỗi ngày có thể mổ hàng chục con muỗi”, cử nhân Trần Thanh Hùng nói vui khi được hỏi về đặc trưng công việc.
“Mổ muỗi là công đoạn xác định muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét, tuổi sinh lý, tuổi nguy hiểm của muỗi, giúp đưa ra những cảnh báo về nguy cơ dịch sốt rét cho các khu dân cư. Đây là một trong số rất nhiều công việc khác mà các kỹ thuật viên tại khoa Côn trùng phụ trách. Hiện nay, ngoài mổ muỗi, chúng tôi còn mổ cả bọ xít hút máu người…”.
Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN QUANG, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Mỗi ca mổ muỗi thường diễn ra chóng vánh, nhiều khi chưa đầy 1 phút. Nhưng, để có được sự thuần thục, chuyên nghiệp trong mỗi ca mổ, kỹ thuật viên cần phải khéo léo, tỉ mỉ, nhẫn nại và đặc biệt say mê. “Nói thì nhiều lắm, nhưng yêu cầu với kỹ thuật viên mổ muỗi phải có đôi tay thật dẻo, đôi mắt thật tinh, không có những thứ này thì khó mà làm được”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Côn trùng, đúc kết.
Trực tiếp mổ một con muỗi, người viết mới hiểu hết được cái khó của công việc này. Chưa vội nói đến bóc, tách được con muỗi, chỉ riêng việc đặt muỗi sao cho đúng vị trí, cầm kim mổ sao cho chuẩn đã chẳng dễ dàng. Vậy nên, sau 5 phút được hướng dẫn tận tình, tôi đã… phá hỏng một con muỗi.
Cử nhân Phạm Quang Luận chia sẻ: “Hồi còn là sinh viên, chúng tôi phải luyện tập hàng tuần mới mổ được muỗi. Niềm vui những lần đầu tiên mổ, kéo được tuyến nước bọt thành công thật khó quên, trở thành động lực để tiếp tục luyện tập. Khi đi khảo sát thực địa, công việc dùng bản thân để mồi muỗi rất vất vả nên số muỗi bắt được rất quý giá. Nếu kỹ thuật viên thất bại trong việc mổ muỗi sẽ rất uổng phí công sức đã bỏ ra. Vậy nên, chúng tôi không cho phép mình phạm lỗi trong từng ca mổ muỗi”.
NGUYỄN MUỘI
Bài báo cho người đọc biết thêm về chuyên môn của một nghề ít được biết đến, nhưng tác giả nên xem lại có cần thiết phải đưa danh xưng "cử nhân" trước tên mỗi người như vậy không? Chẳng lẽ cứ thấy ông trưởng khoa có "tiến sĩ" đứng trước thì nhân viên phải có "cử nhân" cho tương xứng?