Thăm dò khảo cổ dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại Huế: Phát hiện nền đá dạng tường thành
Chiều 15.10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bảo tàng lịch sử tỉnh này công bố kết thúc đợt thăm dò khảo cổ học dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân, TP Huế, kéo dài từ ngày 6 đến 15.10.
Phát hiện nền đá xếp chồng nhau hình dạng như bức tường thành trong đợt thăm dò khảo cổ dấu vết lăng mộ Quang Trung tại Huế.
PGS-TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học cho biết, tất cả 5 hố thăm dò đều được mở đúng theo trình tự, thời gian mà Quyết định do Bộ VH-TT-DL đề ra. Tại mỗi hố thăm dò, đoàn đã tiến hành đào đến tầng đất sinh thổ (tầng đất nguyên thủy, chưa có sự tác động của con người) và tìm thấy một số hiện vật bằng đất, đá, gạch, ngói, vữa, gốm, sứ, sành, kim loại... liên quan đến các hoạt động của con người ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong đó, đáng chú ý nhất là tại hố đào thứ 5, đoàn phát hiện một nền đá xếp chồng lên nhau như bức tường thành, bên trên có vữa và đất đắp. Nền đá ấy cho thấy từng có sự xuất hiện của một kiến trúc lớn ở khu vực này. Đoàn khảo cổ sẽ tiếp tục chỉnh lý hiện vật, các bản vẽ và toàn bộ hồ sơ; đồng thời, nghiên cứu các hiện vật thu được trong đợt thăm dò bằng các phương pháp phân tích thạch học, lý hóa, địa chất, đối chiếu với tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian... để làm rõ các thông tin cần tìm.
Ngoài ra, đoàn sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền mở rộng diện tích khai quật để biết được chiều rộng, chiều dài của nền đá này. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của các bộ môn khoa học khác như địa chất, lý hóa mới có thể đưa ra kết luận ban đầu. PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết, sau 3 tháng, nhóm thăm dò sẽ có báo cáo sơ bộ và một năm sau sẽ có báo cáo chính thức.
Theo SGGP