Phạm tội nghiêm trọng do kém hiểu biết pháp luật
Những năm gần đây, bên cạnh những vụ án cướp tài sản do những đối tượng hình sự chuyên nghiệp thực hiện, còn có không ít những vụ do thanh thiếu niên kém hiểu biết về pháp luật gây ra. Thực trạng đó đang là nỗi lo của xã hội và cần được các ngành chức năng quan tâm giải quyết.
Giữa tháng 6.2013, bà con thôn Quy Hội, xã Phước An (Tuy Phước) xôn xao bàn tán khi thấy Hồ Văn Vĩ (SN 1999, ở địa phương) bị Cơ quan CSĐT CA huyện Tuy Phước bắt về tội “cướp tài sản”. Một thiếu niên mới 14 tuổi, tuy đã từng trộm cắp tài sản của bà con địa phương nhưng chỉ là những vụ trộm cắp vặt, nay bất ngờ bị bắt giam vì trộm mấy búp măng tre giá chỉ 30.000 đồng đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, ngay sau đó được cán bộ địa phương giải thích, bà con đã hiểu ra rằng, việc bắt giam và xử phạt đối với Hồ Văn Vĩ là việc làm cần thiết, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Vụ án nghiêm trọng nói trên xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 ngày 16.5.2013. Hôm đó, Hồ Văn Vĩ và Lê Hoài Nam (SN 1999, ở cùng địa phương) đến bờ tre của người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Trầm (SN 1963) bẻ trộm măng. Khi cả hai bẻ được 7 búp măng thì bị bà Trầm phát hiện. Đơn giản vì sợ bị bắt và sẵn có dao Thái Lan trong tay nên Vĩ đã dí dao vào cổ bà Trầm đe dọa, không cho bà kêu la, mà không nghĩ là mình đang phạm tội cướp tài sản.
Thế nhưng khi bà Trầm đến CA địa phương báo cáo thì vụ việc không còn đơn giản nữa. Việc dùng dao đe dọa nạn nhân để chiếm đoạt tài sản, dù chỉ là những búp măng của Hồ Văn Vĩ đã cấu thành tội “cướp tài sản”, tội đứng đầu trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu. CA huyện vào cuộc điều tra, nhưng từ đó đến gần 1 tháng sau Hồ Văn Vĩ tìm cách trốn tránh, không đến trụ sở CA khai báo theo triệu tập. Đến ngày 21.6.2013, Vĩ bị Cơ quan CSĐT CA huyện Tuy Phước bắt khẩn cấp và tạm giam để điều tra, xử lý. Cho đến lúc này, nghe cán bộ điều tra giải thích, Hồ Văn Vĩ mới biết được việc dùng dao đe dọa bà Nguyễn Thị Trầm, sau đó mang 7 búp măng đi bán là hành vi cướp tài sản, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong vụ án này còn có Lê Hoài Nam, nhưng Nam chỉ trộm măng, khi bị phát hiện Nam không tham gia chống đối và trước đó không bàn bạc sẽ chống đối nếu bị phát hiện đang trộm cắp, do đó không phạm tội “cướp tài sản”. Thời điểm xảy ra vụ việc, Nam cũng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không bị khởi tố điều tra về tội “trộm cắp tài sản”.
Trường hợp Ngô Hoàng Lâm (SN 1992, ở khu vực Phò An, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) phạm tội “cướp tài sản” bị Cơ quan CSĐT CA thị xã An Nhơn bắt giam cũng là một ví dụ về việc phạm tội do kém hiểu biết pháp luật.
Vụ việc diễn ra vào tối 30.6. Hôm đó, Dương Ngọc Thạch từ xã Nhơn Hạnh lên phường Nhơn Hưng chơi và sau đó cùng Ngô Hoàng Lâm rủ nhau đi “xin đểu”. Cả hai đến đường đê bao thuộc thôn Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, thấy một đôi nam nữ đang tâm sự trong bóng tối, xung quanh vắng người, Lâm cầm đoạn tre dài 1,2m cùng Thạch đến gần hỏi xin tiền. Lúc đầu người thanh niên không cho, nhưng khi bị Lâm và Thạch dùng thanh tre đe dọa và đánh vào người nên sợ hãi móc ví đưa cho chúng 20.000 đồng. Chỉ “xin” được 20.000 đồng, nhưng kiểu “xin” của Thạch và Lâm đã phạm vào tội “cướp tài sản” bởi đã cưỡng đoạt tài sản của người khác bằng cách dùng vũ lực. Hậu quả, Ngô Hoàng Lâm bị Cơ quan CSĐT CA thị xã An Nhơn khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội danh trên; Dương Ngọc Thạch được gia đình bảo lãnh trong khi chờ điều tra kết luận vụ án.
Cả 2 vụ án trên, đối tượng phạm tội đều là thanh thiếu niên mới lớn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế và chưa được gia đình quan tâm quản lý, giáo dục đúng mức nên đã phạm tội nghiêm trọng. Điều đáng nói là khi vi phạm họ không nhận biết đầy đủ hành vi của mình đã phạm tội “cướp tài sản”, bị pháp luật xử phạt mức án cao dù tài sản chiếm đoạt không đáng kể. Thực tế đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên để không còn xảy ra những trường hợp phạm tội do kém hiểu biết về pháp luật.
MAI LINH GIANG