Nhà rông của làng
Cách đây khoảng một tháng, có dịp đến làng Kà Bông (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) chúng tôi thấy mừng khi bắt gặp ở khu vực trung tâm của làng sừng sững một mái nhà rông được dựng gần như nguyên bản truyền thống.
Làng Kà Bông có 88 hộ gia đình đồng bào Bana, hầu hết đều là hộ nghèo nhưng giàu ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Cách đây khoảng một năm, khi nhà rông cũ bị hư hại, người dân họp bàn chung sức dựng nhà rông mới, vẫn theo đúng kiểu cách mà ông cha truyền lại.
Mỗi hộ gia đình trong làng Kà Bông tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng, cùng một số ngày công để dựng nên nhà rông, với hệ thống cột, sàn, vách, cầu thang bằng các loại gỗ được phép khai thác trong rừng, hoặc các cây tự ngã đổ chết đi. Những chi tiết chạm khắc, hoa văn, cột xà... đều làm theo đúng truyền thống. Tuy nhiên, do không tìm được tranh để lợp mái, người dân Kà Bông đành dùng mái tôn thay thế.
Nhà rông làng Kà Bông được người dân góp công sức dựng theo kiểu truyền thống.
Ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, số nhà rông nguyên bản như ở Kà Bông ngày càng hiếm. Hơn 5 năm trước, khi khảo sát các nhà rông ở huyện Vĩnh Thạnh, điều khiến chúng tôi không khỏi lo lắng là hầu hết các nhà rông văn hóa đều được xây dựng theo kiểu “bê tông hóa”. Chính quyền hoặc ngành Văn hóa thuê các nhà thầu thi công nhà rông, sau đó bàn giao cho dân sử dụng. Trong quá trình xây dựng, người dân gần như đứng ngoài cuộc.
Khi ấy, phải tìm “đỏ con mắt”, chúng tôi mới thấy làng Kon Tơlok (xã Vĩnh Thịnh) vẫn giữ được nét nhà rông truyền thống, từ kiến trúc, cách xây dựng đến phương thức tổ chức… Nhà rông, vì thế, thật sự là của người làng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, nhà rông “dân làm” ở Kon Tơlok phải nhường chỗ cho nhà rông văn hóa mới có trụ bằng bê tông cốt thép, tường gỗ, mái ngói..., với kinh phí đầu tư gần 1,2 tỉ đồng. Và dân làng lại đứng ngoài cuộc như những người xa lạ.
Mấy năm gần đây, tiếp tục có thêm nhiều nhà rông tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện với cung cách vừa kể. Dựng nhà rông kiểu bê tông hóa có thể sử dụng được lâu năm hơn nhưng lại chệch định hướng về bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Bởi ý nghĩa sâu sắc của nhà rông là thể hiện nét đặc trưng, tiêu biểu của nền văn hóa làng; dựng lên từ trí tuệ, công sức tập thể dân làng góp nên... Một nhà rông đúng nghĩa phải được sinh ra như thế.
Từng có chuyện đoàn làm phim tặng cho làng nọ ngôi nhà rông nguyên bản tuyệt đẹp - vốn được dựng lên để làm bối cảnh trong một bộ phim lớn ở Tây Nguyên. Mấy năm sau, khi quay lại, những người trong đoàn làm phim vô cùng bối rối khi nhà rông bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Té ra, sau khi vui vẻ cảm ơn, nhận nhà rông cho khách vui, người làng nọ không hề sử dụng đến một lần. Nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên đoàn làm phim sau đó, khi đã hiểu chuyện đã viết: “Nó đã không được sinh ra đúng như một nhà rông thông thường xưa nay vốn được sinh ra. Nó không sống, không thể sống như một nhà rông làng...”.
Nhà rông văn hóa mới mọc lên ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với nhà rông “nguyên bản” đã và đang dần biến mất! Đây là vấn đề đã được các nhà nghiên cứu, các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhiều năm qua, nhưng xem ra việc bảo tồn di sản văn hóa này của đồng bào chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo...
MAI THƯ