Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa: Chủ động đối phó với hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân
Sau một thời gian tạm lắng, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân lại xuất hiện ở Quảng Ngãi. 2 ca bệnh mới nhất đã được Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) tiếp nhận, điều trị. Bên cạnh hoạt động điều trị, Bệnh viện cũng tổ chức các đoàn công tác ra tận địa bàn để khám sàng lọc, hỗ trợ phòng bệnh.
Ngày 16.9, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã tiếp nhận cùng lúc 2 bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân từ Trung tâm Phong - Da liễu Quảng Ngãi. Đó là cha con ông Đinh Hà Nhua (48 tuổi) và anh Đinh Văn Điệu (24 tuổi), ở làng Chai, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Cả hai đều nổi mảng da đỏ ở tay chân và dày sừng lòng bàn tay, bàn chân.
Điều trị trực tiếp cho người bệnh tại cộng đồng.
Điều trị hiệu quả
Đây là hai trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân trong năm 2016; lần gần nhất ghi nhận ca bệnh này là cuối năm 2014. Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có hơn 270 trường hợp bị mắc hội chứng này, trong đó 25 người đã tử vong.
Lúc vào viện, ông Nhua đã có triệu chứng nặng, mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da, vàng mắt rất rõ; men gan tăng cao 5 lần so với mức bình thường; chức năng đông máu bị rối loạn, tiên lượng có thể nôn ra máu bất cứ lúc nào; suy kiệt cơ thể, ngộ độc toàn thân. Trong khi đó, với anh Điệu, men gan có tăng nhưng không quá cao, có vàng da nhưng không đậm như cha. Điệu còn trẻ nên khả năng hồi phục cũng nhanh hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân này, Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn. Hoạt động điều trị sau đó thực hiện theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Cụ thể, giải độc gan, tăng cường bồi dưỡng cơ thể, chăm sóc da… Bệnh nhân được ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt của Bệnh viện. Sau 8 ngày điều trị, 2 bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không nôn, giảm vàng da, thương tổn da được cải thiện, không còn nguy cơ đe dọa tính mạng.
“Năm 2012, Bệnh viện tiếp nhận đến 117 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, trong đó có rất nhiều ca nặng nề. Quãng thời gian đó tuy rất vất vả nhưng đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho chúng tôi” - bác sĩ Loan chia sẻ.
Chủ động dự phòng
Sau khi được xuất viện, cha con ông Nhua được “bàn giao” cho Trung tâm Phong - Da liễu Quảng Ngãi để tiếp tục theo dõi. Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm này, cả hai bệnh nhân đều tiến triển tốt, hồi phục nhanh. “Từ lâu, chúng tôi và Trung tâm Phong - Da liễu Quảng Ngãi vẫn giữ liên hệ chặt chẽ trong hoạt động điều trị lẫn dự phòng để đối phó với hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân” - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa Vũ Tuấn Anh cho biết.
Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa có nhiệm vụ quản lý công tác phòng chống phong - da liễu ở 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng). Bác sĩ Vũ Tuấn Anh cho rằng, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của Bệnh viện, cùng sự phối hợp tốt của các địa phương, đã góp phần giải quyết sớm các trường hợp dịch, bệnh mới ghi nhận.
Dù hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã “hạ nhiệt”, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện vẫn cử 5 đoàn công tác (gồm bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên) ra làm việc ở các xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Tô (huyện Ba Tơ) và xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi).
Tại cơ sở, đoàn công tác tổ chức các hoạt động: Tập huấn cho cán bộ y tế tuyến dưới, khám phát hiện ca bệnh, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường. Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Nguyễn Khánh Hòa cho hay: “Bệnh nhân được phát hiện sẽ phân loại, ca nhẹ điều trị tại chỗ, giao cho ngành y tế địa phương theo dõi; các ca nặng đưa về Bệnh viện để điều trị. Bên cạnh đó, đoàn cũng phát các loại thuốc thông thường, vitamin, hỗ trợ chức năng gan… cho người dân các địa phương”.
NGUYỄN VĂN TRANG