Cúp vô địch wushu toàn quốc năm 2016: Võ sĩ trẻ Bình Định thể hiện sự tiến bộ
Như tin đã đưa, tại Cúp vô địch wushu toàn quốc năm 2016, đội tuyển wushu Bình Định đã giành được 1 HCB và 1 HCĐ. So với các năm trước, đây không phải là thành tích tốt. Nhưng qua giải đấu này có thể thấy được sự tiến bộ về chuyên môn của các võ sĩ trẻ Bình Định.
Giải cúp vô địch wushu toàn quốc năm 2016 khởi tranh từ ngày 12.10 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng. Tham gia giải có hơn 300 VĐV đến từ 28 tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Các VĐV tranh tài ở nội dung đối kháng (sanshou) và biểu diễn (taolu). Trong đó, nội dung đối kháng tổ chức thi đấu 18 hạng cân (10 nam, 8 nữ). Đã không có bất ngờ nào xảy ra ở các vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng toàn đoàn, khi đội tuyển Hà Nội vẫn tỏ ra áp đảo với ngôi đầu (16 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), tiếp theo là đoàn TP Hồ Chí Minh (2 HCV, 5 HCB, 7 HCĐ) và Quân Đội (2 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ).
Các võ sĩ trẻ Bình Định đang dần khẳng định được khả năng của mình trên sàn đấu.
- Trong ảnh: Võ sĩ Đặng Hoàng Linh (bên trái) trong một trận đấu ở Đêm võ đài xứ Nẫu.
Bên cạnh đó, đội tuyển của một số tỉnh, thành phía Bắc có sự đầu tư lớn trong nhiều năm qua như Lạng Sơn, Quảng Ninh… cũng duy trì được thành tích ổn định. Còn ở khu vực phía Nam (tính từ Đà Nẵng trở vào), ngoài TP Hồ Chí Minh chỉ có một vài đơn vị giành được huy chương như Đồng Nai, Tây Ninh.
Tại giải này, đội tuyển wushu Bình Định có 8 võ sĩ tham gia, chỉ thi đấu ở nội dung đối kháng. Trong đó, võ sĩ Nguyễn Văn Hiếu đoạt HCB nội dung đối kháng hạng cân 48kg nam; võ sĩ Đặng Hoàng Linh giành HCĐ nội dung đối kháng hạng cân 60kg nam. Đây đều là hai võ sĩ còn rất trẻ (cùng sinh năm 1998), do đó, thành tích giành được tại giải là rất đáng khích lệ.
Võ sư Lê Công Bút, HLV đội tuyển wushu Bình Định, cho biết: Ở giải năm nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng lực lượng võ sĩ trẻ, hầu hết ở độ tuổi dưới 20. Nhìn chung, các em đã thể hiện được sự tiến bộ về chuyên môn, thi đấu tự tin. Dù vậy, do còn ít kinh nghiệm, gặp nhiều đối thủ mạnh nên thành tích như vậy là chấp nhận được.
Không giống như các giải vô địch của những môn võ khác, nội dung đối kháng môn wushu không giới hạn tuổi của võ sĩ. Vì vậy, rất nhiều đơn vị tung hết lực lượng tham gia, kể cả võ sĩ trẻ ở độ tuổi 16-17. Điều này khiến số lượng VĐV ở mỗi hạng cân (đặc biệt là dành cho nam) luôn rất nhiều, nếu muốn giành huy chương phải thắng ít nhất 4-5 trận.
Nhưng đó chưa phải là trở ngại lớn nhất của các VĐV trong hành trình tìm kiếm huy chương, mà việc sớm gặp các tuyển thủ quốc gia mới là thử thách cam go nhất. Khi có giải quốc gia, các tuyển thủ sẽ được trả về địa phương để thi đấu cho đơn vị mình. Có nền tảng tốt, lại được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, dụng cụ trang thiết bị đầy đủ, thường xuyên tập huấn ở những nước có truyền thống mạnh, các tuyển thủ càng tạo ra khoảng cách lớn về chuyên môn với phần còn lại. Do đó, việc bốc trúng lá thăm chung bảng với họ sẽ lấy đi rất nhiều cơ hội của các võ sĩ “tỉnh lẻ”.
Trước đây, Bình Định đã có một số võ sĩ được tập trung đội tuyển wushu quốc gia hoặc đội tuyển trẻ quốc gia. Nhờ đó, chúng ta thường gặt hái được thành tích cao ở các giải toàn quốc. Nhưng trong vài năm trở lại đây, các võ sĩ Bình Định hầu như chỉ tập luyện tại địa phương, với điều kiện thiếu thốn trang thiết bị, đặc biệt là thảm thi đấu chuyên dùng, nên thành tích cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, cũng cần nhớ lại rằng, các võ sĩ của tỉnh ta thường xuyên phải thay đổi bài tập để thi đấu ở nhiều môn võ khác nhau. Ví dụ, cùng một người, nhưng võ sĩ ấy có thể thi đấu võ cổ truyền vào đầu năm, giữa năm dự giải kick-boxing, cuối năm lại xuất hiện ở đội tuyển wushu. Thiếu tính chuyên môn hóa nên rất khó thuần thục những kỹ năng của từng môn, trong đó có wushu. Với lực lượng trẻ nhiều tiềm năng như hiện nay, nếu được đầu tư có chiều sâu, khắc phục các điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn có thể hướng đến những kết quả khả quan hơn ở các giải tiếp theo.
LÊ CƯỜNG