Vân Canh: Canh cánh nỗi lo sông “ngoạm” bờ
Hiện tượng sạt lở bờ sông Hà Thanh ở xã Canh Thuận hay suối Ngô La, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây vào mỗi mùa mưa bão.
Mới mưa đầu mùa nhưng dọc hai bên con suối Ngô La dẫn về sông Hà Thanh, đoạn qua xóm 3, thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng. Hơn 1 ha đất canh tác nông nghiệp nằm dọc triền suối đã bị “hà bá” cuốn phăng. Nhà của ông Phạm Kim Chung (trú cùng địa phương) hiện chỉ cách mép suối chưa đầy 10m. Trước đó, hơn 5.000m2 đất vườn, chuồng trại chăn nuôi heo của gia đình ông Chung đã bị những cơn lũ mùa mưa năm 2013, 2014 cuốn trôi. Đáng ngại hơn, nước đổ về với cường độ mạnh, xoáy thẳng đã làm 2 mố chân cầu Ngô La nằm trên tuyến quốc lộ 19C xói lở.
Hiện tượng sạt lở bờ sông Hà Thanh đã và đang diễn ra dữ dội tại xóm Đông, làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận (Vân Canh).
- Trong ảnh: Nhiều hecta đất canh tác ở cánh đồng có tục danh Hóc Bà Rông nằm dọc triền sông bị nước cuốn phăng.
Tại xóm Đông, làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận, nằm cạnh sông Hà Thanh, nhiều hộ gia đình cũng đang nơm nớp nỗi lo sông “ngoạm” dần đất ở. Theo thống kê của xã Canh Thuận, gần 10 căn nhà của bà con đang chênh vênh bên bờ sông. Có nhà móng chỉ cách bờ sông chưa đầy 4m. Tính đến nay, quỹ đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng có tục danh Hóc Bà Rông (làng Hòn Mẻ) dọc theo sông Hà Thanh đã mất gần 5 ha. Đã vậy, nước khoét sâu tạo thành những hàm ếch; nhiều chỗ như vực thẳm dựng đứng với độ sâu lên đến 7m (tính từ mặt bãi xuống lòng sông). Những vết rạn nứt chằng chịt xuất hiện, báo hiệu nguy cơ đất canh tác sẽ tiếp tục bị cuốn sụp.
Theo ngành chức năng huyện Vân Canh, giải pháp xây dựng bờ kè kiên cố nhằm chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho người dân sinh sống dọc sông Hà Thanh và dọc suối Ngô La là khả thi nhất, nhưng kinh phí đầu tư xây dựng lại vượt quá khả năng của địa phương. Và trong khi đợi nguồn kinh phí từ cấp trên hỗ trợ, chính quyền địa phương đã chuẩn bị phương án di dời dân lên khu vực an toàn trong mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND xã Canh Vinh Nguyễn Văn Hiệp nói: “Địa phương hướng dẫn người dân sống ở vùng sạt lở trồng keo, bạch đàn để giữ đất, song mỗi mùa lũ về hoặc có mưa lớn, nước chảy rất xiết nên vẫn không ăn thua. Trước mắt, để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong mùa mưa lũ sắp tới, xã đã lập kế hoạch, lên phương án di dời các hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao lên các nơi có địa hình cao ráo như trụ sở thôn, trường học”.
Còn ông Kim Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, nói: Đến thời điểm này địa phương đã lên phương án tổ chức di dời dân khi có mưa to, lũ lớn xuất hiện. Cụ thể, xã cắt cử lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tổ quản lý làng Hòn Mẻ ứng trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa lũ và sẵn sàng triển khai công tác di dời dân khi cần thiết. Địa điểm tạm trú cho dân cũng đã được chọn rồi, là Trường Tiểu học Canh Thuận”.
NHƠN HỘI