NSND Đàm Liên: Tuồng là “sinh nghề, tử nghiệp”
Dù đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, NSND Đàm Liên vẫn mê say với nghiệp diễn Tuồng và băn khoăn về Tuồng trong đời sống hiện nay.
55 năm trong nghề Tuồng dường như vẫn chưa đủ với NSND Đàm Liên, hàng ngày, bà vẫn nghiên cứu về Tuồng. Đặc biệt hơn, bà vẫn chiêm nghiệm và tìm kiếm những điều ý nghĩa trong cuộc sống để viết sách và xây dựng các trình thức trong Tuồng. Cứ mỗi lần đến hội diễn Tuồng, các nghệ sỹ trẻ lại tìm NSND Đàm Liên để được bà hướng dẫn từng động tác, từng câu hát. Với bà, Tuồng là sinh nghề, tử nghiệp.
PV: Nhìn lại sự nghiệp, NSND Đàm Liên có thể chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc nhất của mình?
NSND Đàm Liên: Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là lần diễn cho Bác Hồ xem. Lúc đó, tôi mới 16 tuổi. Hôm đó, chú Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ) bảo tôi: “Hôm nay cháu mang theo một cái trống đi cùng chú với mấy người hát chèo nữa đến nhà Bác chơi, vừa thăm Bác vừa diễn cho Bác xem” . Chú Kỳ dặn tôi là đừng nói với ai hết. Lúc tôi diễn xong thì Bác ôm tôi và cho kẹo. Bác nói: “Cháu còn nhỏ mà diễn vai anh hùng dễ thương quá”. Lúc đó tôi vô cùng sung sướng.
20 năm sau, khi tôi gặp lại chú Vũ Kỳ tại quảng trường Ba Đình vào lễ kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ thì chú gọi tôi rất to: “Đàm Liên kìa, Trưng Trắc của Bác Hồ đây rồi”. Lúc đó, tôi mới biết thêm về tên gọi gắn cùng kỷ niệm với Bác Hồ. Với tôi đó là kỷ niệm đó là sâu sắc nhất.
PV: Điểm khác biệt của NSND Đàm Liên với các nghệ sỹ Tuồng khác là gì ?
NSND Đàm Liên: Sự khác biệt là tôi không nặng về trình thức. Khi nắm chắc được trình thức, tôi hòa những kinh nghiệm sống của bản thân vào trong tính cách và động tác của từng nhân vật để diễn cho sống động. Vì thế khán giả xem tôi diễn thấy sẽ không cảm thấy Tuồng với cuộc sống có nhiều cách biệt. Tôi luôn diễn xuất gần với cuộc sống.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói: “Trong đời sống hối hả thực dụng hôm nay, không phải ai cũng thích Tuồng. Nhưng dù ngay cả những người không thích Tuồng, họ vẫn mê Đàm Liên, vì Đàm Liên, họ đến với nghệ thuật Tuồng. Đấy mới là điều lạ!”.
PV: Đúng là hiện nay, sân khấu Tuồng không có nhiều khán giả. Là người diễn Tuồng lâu năm, NSND Đàm Liên có suy nghĩ gì về thực tế này?
NSND Đàm Liên: Đã hơn nửa thế kỷ nay, những suất diễn của tôi luôn có người xem. Thậm chí vào ngày nóng nhất năm 2011 tại Ngôi nhà nghệ thuật 31 Văn Miếu, tôi đã diễn cho 300 khách nước ngoài xem và họ rất thích. Tôi sinh ra và sống bằng Tuồng, hiện khán giả có ít đi nhưng không vì thế tôi bi quan. Nếu tôi bi quan thì làm sao tôi sống được với Tuồng đến ngày hôm nay! Lúc nào tôi cũng rất tự tin và tự hào. Tôi cám ơn Tổ Tuồng, cám ơn cha mẹ, cám ơn các thầy đã dạy tôi và cho tôi nghề Tuồng để hôm nay đi tới đâu cũng có nhiều người biết đến NSND Đàm Liên.
Tôi vẫn luôn băn khoăn về việc Tuồng chưa được đại quần chúng yêu thích. Tôi muốn đem kỹ thuật của mình diễn cho quần chúng để họ mến mộ Tuồng. Hiện nay, Nhà hát Tuồng Việt Nam có nhiều diễn viên trẻ tài năng với ngoại hình rất khá, họ cũng sống đàng hoàng với Tuồng. Bản thân tôi xây được nhà, sống được tử tế là nhờ Tuồng. Tôi nghĩ, một đất nước văn minh phải trân trọng nền văn hóa dân tộc. Sớm hay muộn, Tuồng cũng sẽ ngự trị trong lòng công chúng.
PV: Nghệ thuật hát Tuồng hay còn gọi là Hát Bội phát triển ở phía Nam rất mạnh, các đoàn xuống tận thôn xóm diễn cho khán giả xem. Phải chăng có sự khác biệt trong cách đón nhận Tuồng giữa miền Nam và miền Bắc?
NSND Đàm Liên: Tôi nghĩ là có sự rất khác biệt vì tôi đã làm giám khảo cho Hội diễn nghệ thuật Tuồng chuyên và không chuyên. Ở Bình Định, nghiệp dư diễn tốt hơn chuyên nghiệp. Thực ra gọi họ là nghiệp dư vì họ không ở trong một tổ chức nhà hát nào chứ họ diễn rất tốt, một tháng họ diễn cho khán giả đến 27 ngày. Chính vì thế mà họ bắt nhịp được cuộc sống rất nhanh và thổi hồn vào từng nhân vật nên Tuồng diễn rất hay.
Mỗi khi tham dự Hội diễn không chuyên, tôi thấy nó giống như một ngày hội thực sự chứ không nghiêm túc như Hội diễn chuyên. Điều này không có gì lạ vì chuyên nghiệp chú trọng vào trình thức và tập trung vào chỉ đạo, còn không chuyên họ sống chết vì nghề, nếu diễn không hay thì không có tiền. Các diễn viên không chuyên rất bài bản, hát hay, múa đẹp và động tác chính xác. Tuy nhiên, họ không có người chỉ đạo, uốn nắn và đào tạo cho thế hệ trẻ. Tôi băn khoăn ở điểm này. Vậy nên, tôi thường nói: Tuồng không bao giờ chết, sống hay chết phụ thuộc nhiều ở người nghệ sỹ. Cái giỏi của anh là làm thế nào để hút được khán giả đến với nhà hát. Xuất sắc ở chỗ giữ chân họ để họ cùng khóc, cũng cười cùng sống với nhân vật.
Có nhiều diễn viên hay chủ quan, cho mình diễn thế là được rồi. Nhưng dù đã về hưu, tôi vẫn phải luôn nghiên cứu và hướng dẫn cho các em trẻ tham dự hội diễn. Nếu không nghiên cứu thì tôi không thể có những động tác hay, độc đáo và tình cảm cho vai diễn. Tôi lúc nào cũng phải theo dòng thời cuộc, rèn luyện nghề, đi theo nhịp điệu cuộc sống vì đó là những nền tảng để chắp nối thành những trình thức trong nghệ thuật Tuồng .
PV: Theo NSND Đàm Liên, liệu có giải pháp nào cho sân khấu Tuồng phía Bắc?
NSND Đàm Liên: Phía Bắc có lợi thế diễn thoáng đạt gần với công chúng. Tuồng Bắc hát dễ nghe, tiết tấu nhanh và không ê a - đây là lợi thế. Nhưng lớp trẻ hiện nay có ít người giỏi nên chưa thể vực nghệ thuật Tuồng lên. Cần có đội ngũ trẻ kế tiếp được đầu tư xứng đáng thì Tuồng sẽ có nhiều lợi thế.
PV: Bà có kỳ vọng báo chí, truyền thông sẽ góp phần thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật Tuồng?
NSND Đàm Liên: Không phải giờ tôi mới nghĩ tới điều này, tôi đã nghĩ cách đây 50 năm rồi. Tôi và chồng tôi - nhạc sỹ Vĩnh An đã từng đưa Tuồng phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Xưa nay người ta nói đi xem hát Tuồng chứ không đi nghe Tuồng. Vì tôi và chồng tôi muốn đưa môn nghệ thuật này vào sâu trong công chúng nên mới phát sóng trên Đài TNVN. Hiện nay, Tuồng cũng đã được đưa vào nhà trường nhưng tôi thấy chưa hiệu quả.
Hiện nay mở TV ra toàn nhạc mới, rất ít khi nói về nhạc truyền thống dân tộc. Thỉnh thoảng mới có một đêm Chèo, thỉnh thoảng mới có một hội diễn… đây cũng là một điểm cần khắc phục.
PV: Xin cám ơn NSND Đàm Liên.
. Theo Lê Bích (VOV Online)