Huyện ủy Phù Mỹ:
Quan tâm xây dựng giai cấp công nhân
Huyện Phù Mỹ hiện có 40 doanh nghiệp (DN) và đều là DN ngoài khu vực nhà nước. Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, 5 năm qua, tuy chưa nhiều nhưng huyện Phù Mỹ đã có 11 DN (27,5%) xây dựng được tổ chức công đoàn và 5 DN (12,5%) thành lập được chi bộ đảng; có 24 công nhân, lao động trong các DN được kết nạp Đảng. Mặt khác, Huyện ủy Phù Mỹ chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động và chế độ chính sách có liên quan đến lao động ở hầu hết DN trên địa bàn, qua đó phát hiện và chấn chỉnh một số vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, như: Nợ lương, không đóng BHXH, BHYT, xem nhẹ công tác bảo hộ lao động, vệ sinh nghề nghiệp, nhất là hiện tượng lách luật, tăng ca, tăng giờ trong khi giải quyết quyền lợi cho người lao động không tương xứng.
Tại các DN đã thành lập các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, quyền lợi của người lao động được quan tâm nhiều hơn. Ông Nguyễn Công Lập, Phụ trách công tác tổ chức - hành chính, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định, cho biết: “Nhà máy có lúc khó khăn, nhất là khi mới thành lập, nhưng đối với người lao động, kể cả lao động thời vụ, Nhà máy luôn quan tâm giải quyết tốt các quyền lợi chính đáng cho họ như BHXH, BHYT, BHTN và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động. Khi nghỉ vụ 30 - 40 ngày/năm, người lao động thường xuyên của Nhà máy vẫn được trả 75% lương...”. Ở Công ty Cổ phần phân bón và dịch vụ tổng hợp Bình Định, tuy giám đốc không phải là đảng viên, nhưng nhờ tổ chức công đoàn làm tốt công tác tham mưu nên luôn nhận được sự quan tâm của Ban giám đốc Công ty. Chủ tịch Công đoàn Công ty, ông Võ Đình Tư, cho biết: “Hiện Công ty có 60 lao động dài hạn được hưởng các chế độ hiện hành như đối với một biên chế nhà nước, còn 60 lao động thời vụ thì được mua BHYT, BHTN, lương bình quân ổn định gần 3 triệu đồng/tháng. Công ty còn bố trí 2 khu nhà ở tập thể trang bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, hỗ trợ 50% tiền ăn ca, tiền xăng xe... cho công nhân. Cứ 3 tháng, 6 tháng, Công đoàn lại xét hỗ trợ đột xuất cho gia đình người lao động gặp hoạn nạn, đặc biệt khó khăn trong đời sống...”.
Tuy nhiên, một thực tế khó khăn hiện nay ở Phù Mỹ là hầu hết các giám đốc DN đều là người ngoài Đảng, khiến sinh hoạt đảng và đoàn thể ở đây gặp khó khăn, việc phát triển đảng viên mới không nhiều. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng chưa được coi trọng. Tình trạng lách luật, làm ảnh hưởng trực tiếp đến một số quyền lợi của người lao động vẫn còn ở một số DN, khiến người lao động thiệt thòi.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phù Mỹ, bà Vũ Thị Hồng Hoa, cho biết: “Huyện ủy Phù Mỹ đã có kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, có 20% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (có 30 lao động ổn định trở lên) có tổ chức đảng, trên cơ sở tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng, các tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội trong các DN. Huyện ủy Phù Mỹ cũng chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện, phấn đấu đến năm 2015, có 100% DN ngoài khu vực nhà nước (có từ 30 lao động ổn định trở lên) thành lập được tổ chức công đoàn, 70% DN thành lập được tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện, ông Nguyễn Văn Thân, cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại ba bên: công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động về những vấn đề liên quan, nhằm hạn chế tranh chấp lao động dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể trái quy định, nhất là hạn chế tình trạng lách luật, coi nhẹ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động”.
T. TRỌN - X. LỘC