Bún Song Thằn quê ngoại
Quê ngoại tôi ở làng An Thái, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn. Ngoại tôi được cố ngoại dạy cách làm loại bún Song Thằn và thành nghệ nhân của làng nghề truyền thống. Trong nhà, cậu, dì tôi ai cũng nối nghiệp bà. Đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng bà vẫn hàng ngày coi sóc, đôn đốc công việc của gia đình.
Trong mấy người con của bà, chỉ mẹ tôi lấy chồng xa. Công việc, gia đình và trăm thứ phải lo toan khiến mẹ ít khi được về Bình Định thăm nhà. Song mỗi khi có dịp kể về tài nghệ làm bún Song Thằn của ngoại, mẹ tôi lại say sưa. Ngoại tôi thường gửi từng thùng bún ra Bắc cho đám cháu ở xa. Bà bảo, bà không ra Bắc thăm các cháu được, nên bà gửi sản vật quê ngoại ra; các cháu ăn và nếu thấy ngon thì xem như bà đã ra thăm các cháu!
Hè vừa rồi, chị gái tôi thi đậu đại học, mẹ đãi cả nhà một chuyến về quê ngoại đầy ắp kỷ niệm. Lâu lắm rồi tôi chưa được vào thăm ngoại và tận mắt chứng kiến cảnh làm bún Song Thằn.
Ngoại giải thích, nước nhào bột phải lấy từ sông Côn thì bún mới mềm, dai, thơm ngon. Bột dẻo, mềm nhưng không được quá nhão hoặc quá khô. Bột cho vào chiếc ống bằng đồng, đáy ống có đục lỗ rồi bắt đầu ép bột chảy qua những lỗ nhỏ xuống nồi nước sôi đang nghi ngút khói tạo thành những sợi bún đều tắp và vô cùng đẹp mắt. Đợi khi sợi bún chuyển màu trong sóng sánh, nổi lên trên mặt nước, bà dùng chiếc rổ tre vớt ra cho vào nước lạnh và xả nước lại nhiều lần. Rồi bà tỉ mỉ trải bún lên từng tấm vỉ đem phơi. Những vỉ bún hình vuông, đều tăm tắp khiến chị em tôi cứ muốn được thưởng thức ngay tức khắc.
Chỉ là xem làm bún thôi mà trong tôi bỗng dạt dào tình yêu quê hương, yêu hơn làng nghề An Thái.
Nghe tin tôi từ quê ngoại về, mấy đứa bạn học liền đến nhà tôi chơi. Mẹ tôi làm món bún Song Thằn xào với lòng gà, rau cải đãi các bạn. Mới đặt đĩa bún xào vào bàn ăn, trong chớp nhoáng, chúng tôi đã tranh nhau ăn sạch bong, chỉ còn lại cái đĩa không. Mẹ cười hạnh phúc rồi tiếp thêm cho chúng tôi. Đứa nào đứa nấy bụng đã no tròn mà miệng thì vẫn còn thèm thuồng. Ai cũng mơ màng được về Bình Định, xem cảnh làm bún Song Thằn bên bờ sông Côn.
LÊ THỊ XUYÊN