Sản phẩm lưu niệm Bình Định: “Nghèo” đến bao giờ?
Khi đi du lịch đến bất cứ đâu, song song với việc tham quan, du khách thường có nhu cầu mua sản phẩm lưu niệm (SPLN) đặc trưng của nơi đến để làm quà, lưu niệm… Xem ra, Bình Ðịnh đáp ứng nhu cầu này của du khách chưa tốt.
Sản phẩm, quà lưu niệm du lịch là những văn hóa phẩm gián tiếp giới thiệu về xuất xứ, định danh cho điểm đến, có giá trị sử dụng, lưu niệm lâu dài. Đặc điểm nổi trội của SPLN là nhỏ, gọn, nhẹ, giá rẻ. Vì vậy, SPLN sẽ không bao hàm các sản phẩm là thực phẩm, kể cả đặc sản địa phương.
SPLN Bình Định chỉ vỏn vẹn vài món, được bày bán chung cùng hàng đặc sản. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng cũng xác định chủ yếu trưng bày cho có, vì bán rất chậm (ảnh chụp tại cửa hàng số 14 Hàn Mặc Tử, TP Quy Nhơn).
“Mỏi mắt” tìm quà lưu niệm Bình Ðịnh
Ở tỉnh ta hiện chưa có cửa hàng, quầy chuyên bán SPLN. SPLN chỉ “nằm ghép” và là mặt hàng phụ trong các cửa hàng bán hàng đặc sản địa phương. Khảo sát của người viết tại 5 cửa hàng, quầy lưu niệm (1 khách sạn, 1 bảo tàng và 3 điểm kinh doanh khác của tư nhân), SPLN Bình Định có không đến 10 món, đều là những sản phẩm cũ đã có trên thị trường nhiều năm qua.
Chiếm tỉ lệ lớn trong số này là các sản phẩm về đề tài Quang Trung (tranh bút lửa; tượng Quang Trung bán thân, toàn thân hoặc cưỡi ngựa; một số cuốn sách về nhà Tây Sơn); nón ngựa Phú Gia; tranh lửa khắc hình phong cảnh, di tích hay ca dao về Bình Định; tôm tre; sản phẩm tiện gỗ. Quà lưu niệm mới lên kệ từ 1 năm trở lại đây là bộ thẻ bài chòi hình quạt, thẻ võ (in bài thảo và thiệu các bài võ cổ truyền Bình Định và Việt Nam trên các thẻ gỗ).
Trong số này, theo nhận xét của một số đơn vị, người làm du lịch và du khách, sản phẩm tôm tre hay tiện gỗ, tranh bút lửa chưa thật sự là SPLN vì tính cồng kềnh, khó đóng gói, mang theo trong chuyến du lịch. Nếu loại trừ 3 sản phẩm này, SPLN về Bình Định chỉ còn vỏn vẹn 4 - 5 món!
SPLN về Bình Định vốn đã vô cùng ít ỏi, nghèo nàn; thêm vào đó, để làm quà du lịch, đi vào từng sản phẩm, lại mắc nhiều nhược điểm. Đa số sản phẩm tranh lửa, hình vẽ, tượng về Quang Trung đều bị đánh giá là tạo tác cẩu thả, chất lượng thấp. Được nhiều du khách săm soi là nón ngựa Phú Gia, tuy nhiên với kích cỡ lớn, không thể xếp gọn, mức giá lại khá cao (từ 400 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng), nên nón ngựa Phú Gia vẫn chỉ khiến người mua ngắm nghía, nâng lên rồi… hạ xuống!
Tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn)- địa chỉ thu hút khách du lịch hàng đầu của tỉnh - các tủ, kệ bày bán SPLN rất sơ sài, đơn điệu. Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, gốc của vấn đề nằm ở chỗ không có nguồn hàng tốt.
Cần những bước đi hiệu quả hơn
Một SPLN đúng nghĩa phải hội tụ những yêu cầu cơ bản: Giá rẻ, tinh xảo, kích cỡ gọn và phải được đóng gói đẹp; giàu tính đặc trưng; sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường; giảm cảm giác được sản xuất hàng loạt, ưu tiên sản phẩm thủ công. Đây chính là những điểm cơ bản mà bất cứ ai khi thiết kế, chế tạo SPLN đều phải nằm lòng.
Nên thử làm những món đơn giản, rẻ, gọn, tiện dụng
“Trong khi chờ những sản phẩm “tinh túy” chưa biết bao giờ mới xuất hiện, chúng ta nên thử làm những món quà lưu niệm đơn giản, rẻ tiền, nhỏ gọn, tiện dụng mà vẫn chứa đựng yếu tố văn hóa, bằng kim loại bền vững, tinh xảo như nhiều quốc gia du lịch phát triển đã làm. Bấm móng tay, móc chìa khóa, nĩa cắm trái cây, huy hiệu hay logo… chẳng hạn. Tất nhiên, trên mỗi sản phẩm có khắc tên hay hình ảnh phong cảnh, công trình, di tích nổi tiếng của Bình Định. Nhiều khách du lịch đã hỏi về những sản phẩm cụ thể như vậy” - Một hướng dẫn viên du lịch gợi ý
Về điều này, Bình Định đã phải ngậm ngùi “rút kinh nghiệm” trong lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tìm kiếm SPLN cho tỉnh nhà vào năm 2015. Theo ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) - đơn vị trực tiếp tổ chức Cuộc thi thiết kế, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch lần thứ I - vì mới tổ chức lần đầu chưa có kinh nghiệm nên tên gọi Cuộc thi cũng như yêu cầu sản phẩm chỉ tập trung vào lĩnh vực “thủ công mỹ nghệ”. Phạm vi như vậy vừa rộng lại vừa hẹp, không nêu rõ mục đích sử dụng là làm quà tặng du lịch và các yêu cầu cụ thể đi kèm.
Trong 52 sản phẩm dự thi, phần lớn đều có nhược điểm là giá thành cao; cá biệt một số sản phẩm có kích cỡ lớn hoặc không thể sản xuất hàng loạt, hình thức chưa thật sự tinh xảo, bắt mắt… không đáp ứng, phù hợp để trở thành SPLN. Sau khi kết thúc Cuộc thi, trừ bộ thẻ bài chòi hình quạt (giải Nhì không có giải Nhất) và nón ngựa tiếp tục có mặt trên quầy lưu niệm như từ trước khi tham gia cuộc thi, những sản phẩm khác không thể “bước ra” thị trường. Vậy nên, SPLN Bình Định sau cuộc thi kia, nghèo vẫn hoàn nghèo!
SPLN thiếu và yếu không những làm ngành Du lịch mất một nguồn thu mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương với du khách, nhất là khách quốc tế. Trong bối cảnh du lịch tỉnh nhà đang trên đà phát triển, cần nghiêm túc nhìn nhận hạn chế này và có hướng khắc phục hiệu quả.
“Tôi cho rằng, sau khi nghiên cứu, xác định được những sản phẩm đặc trưng, chính quyền phải tạo động lực ban đầu để từ đó các doanh nghiệp, cơ sở chế tác, nghệ nhân… mạnh dạn đầu tư sáng tạo, sản xuất, đưa sản phẩm mới ra thị trường” - bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty TNHH Golden Life Travel - một trong những giám khảo của Cuộc thi thiết kế, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch lần thứ I - đề xuất. Còn ông Châu Kinh Tú thì trăn trở: “SPLN về Bình Định chưa được đầu tư đúng mức, mặt nào đó còn bị thả nổi, không ai kiểm soát về chất lượng, giá cả. Các ngành chức năng phải vào cuộc, tạo cú hích ban đầu về mẫu mã, có vậy các doanh nghiệp mới đầu tư sản xuất. Khi có đà rồi, nhu cầu của thị trường sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất!”.
Sao không làm những bộ bưu thiếp?
“Bình Ðịnh có nhiều danh thắng, di tích, làng nghề, nghệ thuật truyền thống… đẹp và nổi tiếng. Vậy sao các bạn không làm những tập sách ảnh hay đưa hình ảnh đất nước, con người Bình Ðịnh lên những postcard (bưu thiếp) - tất nhiên bằng tiếng Việt và một số ngoại ngữ phổ biến khác. Khách du lịch quốc tế thường có thói quen tìm mua sách ảnh hay postcard. Những postcard hình ảnh thật nghệ thuật, thông tin thật chính xác, chọn lọc sẽ là những món quà lưu niệm ý nghĩa và sang trọng. Tôi khá bất ngờ khi đi dạo các quầy hàng lưu niệm lẫn nhà sách ở Bình Ðịnh đều tìm không có hai món này - Cô Nguyễn Thị Hà Ninh, một du khách TP Hồ Chí Minh
SAO LY
Bài quá hay! Thích chữ " Nghèo" trong tiêu đề! Nhưng tiếc, nghèo trong suy nghĩ, cách làm, do sĩ diện, nghèo do dân không đồng thuận. Tóm lại nghèo do nghèo toàn diện. Bệnh đó cần chữa.
Đầu tư cho SPLN không khó, máy móc cần thiết mua về, con người cần thiết đi học, SPLN quá khó làm cần thiết đặt làm nơi khác đem về bán, có cầu sẽ có cung. Vấn đề đầu tiên là bây giờ làm ra bán cho ai, khi mà lượng du khách về Bình Định không nhiều, lưu lại không lâu, cách tổ chức tour du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu những điểm vui chơi tầm cỡ, điểm tham quan thiếu hấp dẫn...