Xã Ân Hữu (Hoài Ân): Cầu Hậu Phú nối nhịp bờ vui
Ðường về Phú Văn 1 - thôn cách trở nhất của xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân - nay đã bớt nhọc nhằn nhờ cây cầu Hậu Phú vững chãi. Mỗi nhịp cầu là một nhịp vui với người dân nơi đây.
Cầu Hậu Phú nối 2 thôn Phú Văn 1 và Phú Văn 2 đã tạo thuận lợi cho người dân thôn Phú Văn 1 đi lại, giao thương.
Thôn Phú Văn 1 có gần 200 hộ dân, chỉ cách trung tâm xã Ân Hữu chừng 2 km nhưng hơn 30 năm qua, trở nên xa xôi, cách biệt với các thôn khác bởi bị chắn lối bởi con sông Đá Bạc khúc khuỷu, gập ghềnh.
Ông Đào Văn Thiên (ở xóm Hội Phú, thôn Phú Văn 1) cho biết: “Ngày trước, muốn lên UBND xã làm giấy tờ hay họp hành gì, người trẻ chạy xe máy, xe đạp đi vòng qua thôn Phú Văn 2 cả 7 cây số mới tới nơi; còn người già, học sinh đành liều mình lội bộ hoặc chèo đò qua sông. Vào mùa thu hoạch, có người còn nai lưng vác cả bao lúa, bao mì lội qua sông. Khó khăn đủ bề”.
Thầy Võ Ngọc Hóa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ân Hữu, cho biết thêm, trung bình mỗi năm học, Trường có gần 40 học sinh là con em thôn Phú Văn 1 phải thường xuyên lội sông đi học. Mùa mưa, phụ huynh phải túc trực để cõng con qua sông, đưa - đón con đi học.
Nhưng đó đã là chuyện quá khứ, bởi từ giữa tháng 9.2016, người dân thôn Phú Văn 1 đã có cầu mới để đi. Cầu Hậu Phú nối thôn Phú Văn 1 với thôn Phú Văn 2 được thiết kế theo dạng cầu treo dây võng một nhịp, dài 110 m, rộng 2 m, tải trọng 3 tấn, với kinh phí xây dựng gần 6 tỉ đồng. Đây là một trong 186 cầu treo dân sinh trong Đề án Xây dựng đảm bảo giao thông cho 28 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Phú Văn 1, vui mừng: “Có cầu bắc qua sông, giờ lúc nào chúng tôi cũng có thể xuống trung tâm xã. Nhưng yên tâm nhất là về bọn trẻ. Trước đây, mỗi lần con đi học là tôi trông cứ thấp thỏm, sợ con qua sông nguy hiểm; giờ tụi nhỏ có thể tự đạp xe đi học được rồi”.
Ông Nguyễn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Ân Hữu, vui mừng nói: “Cầu Hậu Phú được xây dựng là thỏa niềm mơ ước của nhân dân 2 thôn Phú Văn 1 và Phú Văn 2, tạo thuận lợi cho đi lại, giao thương. Đặc biệt, học sinh thôn Phú Văn 1 ở bên kia sông đi học thuận lợi, không còn nỗi lo nguy hiểm do lội sông vào mùa mưa. Nhiều hộ có đất sản xuất tại thôn Phú Văn 1 nay đã có thể băng xe máy qua cầu đi làm, việc đồng áng trở nên dễ dàng. Không chỉ nối liền đôi bờ sông Đá Bạc, cầu Hậu Phú còn tăng thêm niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước”.
TRỌNG LỢI