Cần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng viên nơi cư trú
Quý IV hàng năm, các chi bộ thôn, khối phố tổ chức họp định kỳ đảng viên nơi cư trú (lần 2) theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh số ít địa phương thực hiện tốt công tác này, huy động đảng viên là công chức tham gia hiến kế, đóng góp ý kiến cho địa phương về các lĩnh vực KT-XH, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng chi bộ Đảng vững mạnh, thì chất lượng sinh hoạt đảng viên nơi cư trú hiện nay nói chung vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Thường thì nội dung một buổi sinh hoạt đảng viên nơi cư trú rất ngắn gọn, do đó dễ dẫn đến “hình thức”. Tại không ít địa phương, các cuộc họp thường diễn ra theo kiểu “một chiều”, tức chỉ có bí thư chi bộ thôn, khối phố thông báo khái quát về tình hình địa phương chứ đảng viên công chức hầu như không tham gia ý kiến, hoặc chỉ là những góp ý chung chung, tránh động chạm đến những khuyết điểm của cơ sở. Điều này có nguyên nhân từ việc, các đảng viên công chức thường tập trung vào các mối quan hệ tại cơ quan, đơn vị mà ít quan tâm đến mối quan hệ với cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Nhiều trường hợp nếu cả vợ và chồng đều là đảng viên công chức thì thường chỉ có một trong hai người đi họp.
Việc nhận xét hàng năm đối với đảng viên công chức cũng chưa được coi trọng, thường được cấp ủy nơi cư trú giao cho bí thư (hoặc phó bí thư chi bộ) và hầu như ai cũng được nhận xét tốt vì cả nể nhau.
Ngoài cuộc họp đảng viên nơi cư trú hàng năm, ở địa phương còn có nhiều buổi sinh hoạt dân cư khác. Tuy nhiên, tỉ lệ cán bộ, đảng viên công chức tham gia thường chỉ chiếm chưa đến 20% số người dự họp. Nhiều cán bộ, đảng viên thừa nhận việc này và cho rằng, không biết thông báo hoặc nghĩ rằng mình đã cập nhật thông tin, chủ trương của cấp trên hàng ngày, nên không cần phải đến họp. Thực tế trên dẫn đến việc người dân đi họp tỏ ra không hài lòng bởi cán bộ, đảng viên không gương mẫu.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng viên nơi cư trú, thiết nghĩ cần có những giải pháp đổi mới, trọng tâm là:
Thứ nhất, đổi mới phương pháp và nội dung cuộc họp. Nội dung cần ngắn gọn, súc tích, xoáy sâu vào những vấn đề trọng tâm của địa phương, cần sự hiến kế của đảng viên. Điều này đòi hỏi đồng chí bí thư chi bộ phải có năng lực tổng hợp, bao quát để có thể khái quát và gợi ý thảo luận.
Thứ hai, cần nghiêm túc nhắc nhở, phê bình với những đảng viên không sinh hoạt đảng tại nơi cư trú đủ 2 lần/năm và không tham gia những cuộc sinh hoạt, hội họp khu dân cư mà không có lý do chính đáng. Cấp ủy nơi cư trú cần liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, lãnh đạo cơ quan nơi đảng viên đang công tác để có biện pháp quản lý và điều chỉnh kịp thời.
Thứ ba, việc nhận xét đảng viên ở nơi cư trú phải được thực hiện từ cấp ủy nơi cư trú và gửi bằng văn bản đến chi bộ cơ quan qua đường công văn; đồng chí bí thư hoặc cấp ủy chi bộ nơi công tác nhận và xử lý; không nên để đảng viên tự liên hệ lấy nhận xét.
Thứ tư, khi chuyển chỗ ở, mỗi đảng viên cần tự giác, nghiêm túc trong việc đề nghị thực hiện chuyển hộ khẩu và sinh hoạt đảng về nơi cư trú mới, không để kéo dài tình trạng hộ khẩu một nơi nhưng sinh hoạt đảng nơi cư trú một nẻo, gây khó khăn trong công tác quản lý con người của cấp cơ sở.
ANH TUẤN