Dạy võ cổ truyền cho thiếu nhi ở TP Quy Nhơn: “Mệt mà vui!”
Ðó là câu nói ngắn gọn mà hầu hết võ sư, HLV khi được hỏi về cảm giác của mình khi dạy võ cổ truyền cho các em ở lứa tuổi thiếu nhi trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Một lớp học võ cổ truyền cho lứa tuổi thiếu nhi tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
1.
Tại TP Quy Nhơn, hầu hết các CLB dạy võ cổ truyền đều có các em thiếu nhi theo tập. Những CLB có bề dày truyền thống, uy tín, sân bãi rộng thoáng, gần khu vực trung tâm như CLB Nguyễn Thanh Vũ (Nhà Văn hóa Lao động tỉnh), CLB Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định (Sân vận động Quy Nhơn)… thu hút nhiều em nhỏ theo tập hơn, bởi ngoài các yếu tố trên, thì việc khu vực sân tập thuận tiện cho việc đưa đón của phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Duy trì hoạt động liên tục gần 3 năm qua, CLB thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, do võ sư Phạm Thị Lành đứng lớp, hiện thu hút khoảng 60 em lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng tập luyện vào các buổi chiều tối trong tuần. Những ngày hè, số lượng các em theo tập tăng gần gấp đôi. Trong đó, phần lớn là học sinh tiểu học, một số ít võ sinh đang học các lớp chồi, lớp lá tại các trường mầm non.
Theo dõi một buổi tập của CLB Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, có thể thấy được sự vất vả của các võ sư, HLV đứng lớp. Bởi để ổn định được một tập thể với nhiều thành viên nhí đang trong độ tuổi hiếu động không phải đơn giản. Các em nhỏ thường thiếu tập trung, hay đùa giỡn nên phải làm sao vừa tạo cho các em tính kỷ luật, nề nếp, nhưng cũng không quá khắt khe, tạo cảm giác gò bó.
“Ở tuổi này, các em nắm bắt nhanh những hướng dẫn của HLV, nhưng động tác thường không chuẩn nên cần chỉnh sửa liên tục. Tuy vậy, với những em thực sự đam mê, hoàn toàn có thể huấn luyện để trở thành những VĐV giỏi. Như ở Giải trẻ Võ cổ truyền toàn quốc năm 2016, đã có 2 em từ lớp phong trào này giành được 1 HCV, 1 HCĐ lứa tuổi 6 - 8. Dù không nhiều phụ huynh hướng các em theo con đường VĐV chuyên nghiệp, nhưng khi được đề nghị tham gia giải, họ vẫn ủng hộ nhiệt tình. Ngoài ra, đây cũng là lực lượng có thể tham gia đồng diễn ở các kỳ liên hoan, lễ hội lớn của tỉnh” - võ sư Phạm Thị Lành chia sẻ.
2.
Ngoài các CLB kể trên, nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố cũng mở các lớp võ thuật, thể dục nhịp điệu để đáp ứng nhu cầu học sinh. Hiệu trưởng một trường mầm non thuộc phường Hải Cảng cho biết: “Ngay từ khi trường mới thành lập, chúng tôi đã mở lớp võ cổ truyền cho các em khối lớp chồi, lớp lá; duy trì được hơn 10 năm qua. Phụ huynh nào có nhu cầu cho con em mình theo tập thì đăng ký chứ nhà trường không bắt buộc. Theo tôi, đây là hoạt động bổ ích, giúp các em phát triển thêm về thể chất, tạo sự năng động, hoạt bát và dần định hình những khái niệm cơ bản về võ thuật!”.
Từng giành được rất nhiều thành tích ở nội dung hội thi tại các giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc với tư cách VĐV, Nguyễn Võ Minh Tâm (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) thông thuộc rất nhiều bài võ cũng như có thể sử dụng thuần thục nhiều loại binh khí khác nhau. Khoảng 1 năm nay, anh trực tiếp đứng lớp võ thuật tại Trường mầm non Mái Nhà Xanh (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), với khoảng 30 em theo học, mỗi tuần tập 3 buổi. HLV Nguyễn Võ Minh Tâm cho biết: “Ngay từ đầu, tôi dạy các em về căn bản công. Đây là bước đi cơ bản để sau này võ sinh có thể nắm bắt và tập luyện thuần thục những bài quyền. Nhìn chung, các em tiếp thu tốt, nhưng việc quản lý lớp có phần vất vả hơn những đối tượng khác. Tuy vậy, được truyền niềm đam mê của mình đến các em nhỏ, thực hiện công việc mình yêu thích thì những khó khăn đó chẳng là gì cả”.
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi cho con em mình tập võ cổ truyền là mong con em mình tăng cường sức khỏe, tham gia sân chơi lành mạnh và góp phần gìn giữ tinh hoa của đất Võ. Đó đều là nhu cầu hết sức xác đáng và cũng lý giải vì sao võ cổ truyền đang ngày một phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Quy Nhơn.
“Việc dạy võ thuật nói chung và võ cổ truyền nói riêng ở các trường mầm non trên địa bàn TP Quy Nhơn đã duy trì trong nhiều năm qua. Nhìn chung, đây là hoạt động cần được khuyến khích, nhân rộng, bởi nó góp phần định hình tình yêu võ thuật trong các em thiếu nhi ngay từ khi còn bé; thúc đẩy phong trào võ thuật phát triển. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó là các trường tự liên hệ với các võ sư, HLV để mời về dạy, chứ không thông qua Hội Võ thuật. Ðiều này có thể dẫn đến một số bất cập, như xảy ra tình trạng người chưa đủ trình độ, cấp đai, đẳng để đứng lớp vẫn “chen” vào dạy; nội dung giảng dạy chưa thống nhất, thiếu căn cơ, động tác không chuẩn có thể làm sai lệch ý nghĩa của các bài võ”.
Võ sư NGUYỄN THANH VŨ, Chủ tịch Hội Võ thuật TP Quy Nhơn
LÊ CƯỜNG