EPFL tuyên chiến với UEFA
Đại diện đến từ 25 giải vô địch quốc gia khắp “lục địa già” vừa có động thái phản đối mạnh mẽ hơn với những thay đổi mới đây của Champions League trong phiên họp của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) hôm 21.10 ở Zurich (Thụy Sĩ).
Những đội bóng lớn và giàu truyền thống như Real Madrid được hưởng lợi nhiều từ những thay đổi của Champions League.
Theo đó, quyết định nâng suất tham dự Champions League cho 4 giải đấu hàng đầu (Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italia) của UEFA là nguồn cơn của phẫn nộ. Hiệp hội các Giải bóng đá chuyên nghiệp châu Âu (EPFL) dọa sẽ lập một “giải đấu khép kín” với những quy định ngặt nghèo về điều kiện tham dự.
Ngoài ra, các nền bóng đá khắp “lục địa già” cũng đe nạt UEFA rằng họ sẽ điều chỉnh lịch thi đấu giải quốc nội trùng với lịch thi đấu Champions League nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Đặc biệt, EPFL đã tuyên bố tạm ngưng thỏa thuận hợp tác với LĐBĐ châu Âu và đặt thời hạn 15.3.2017 để tiến hành thảo luận một thỏa thuận mới. Theo những quy định trong thỏa thuận cũ, tất cả những giải vô địch quốc gia châu Âu sẽ không tổ chức thi đấu vào giữa tuần để phục vụ cho Champions League. “Tạm ngưng những gì đã ký kết sẽ giúp cả chúng tôi lẫn UEFA có đủ thời gian để suy nghĩ về một sự hợp tác mới” - Chủ tịch Lars-Christer Olsson của EPFL nói.
Những người đứng đầu các giải vô địch quốc gia của châu lục này cũng rất bức xúc vì không được tham dự thương thảo về điều kiện tham dự lẫn phân chia tài chính của Champions League cho 3 mùa giải kế tiếp, bắt đầu từ 2018.
UEFA nói họ “đã biết” về quyết định của EPFL nhưng từ chối đưa thêm bình luận.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Claus Thomsen của giải chuyên nghiệp Đan Mạch đã thông báo việc một số các CLB Bắc Âu liên kết để thành lập Atlantic League - một giải đấu độc lập với Champions League. “Câu hỏi với chúng tôi chỉ là lên lịch thi đấu của Giải vô địch quốc gia Đan Mạch phù hợp với Atlantic League hay Champions League. Chúng tôi sẽ xem xét điều gì có lợi nhất cho bóng đá Đan Mạch”.
Trước đây, Bồ Đào Nha, Scotland, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan cũng đã nỗ lực hình thành giải đấu riêng cho các CLB của họ nhưng không thành công. Một kế hoạch “ly khai” khác của các nền bóng đá Croatia, Serbia, Bosnia, Slovenia, Macedonia, Montenegro, Hungary và Bulgaria được cân nhắc vào năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
(Theo SGGP, TTVH)