Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát bội Bình Định”: Nhiều thành công đáng ghi nhận
Giữa tháng 9.2015, lễ đón nhận bằng chứng nhận “Hát bội Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đã được tỉnh ta tổ chức trang trọng. Từ đó đến nay, tiếp tục có nhiều hoạt động, những thành công đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy di sản độc đáo này.
Nhiều hoạt động và thành quả
Giữa tháng 8.2016, tỉnh ta tổ chức khánh thành Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Đây là một hoạt động có mục đích góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật hát bội Bình Định.
Sau đó vài tuần, Liên hoan “Trích đoạn tuồng Đào Tấn” được tổ chức lần đầu với sự tham gia của 10 đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh. Liên hoan góp phần động viên tinh thần, nâng cao ý thức bảo tồn di sản nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Sau Liên hoan, Sở VH-TT &DL tiếp tục quan tâm tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật tuồng Đào Tấn cho diễn viên tuồng không chuyên.
Nhà hát tuồng Đào Tấn đã có chuyến biểu diễn thành công tại Lễ hội khiêu vũ sôi động Wonju - Hàn Quốc năm 2016.
“Nhờ có lớp tập huấn lần đầu tiên này, chúng tôi đã được các nghệ sĩ tài danh ở Nhà hát tuồng Đào Tấn phân tích về lý thuyết, hướng dẫn về thực hành để có thêm những kiến thức bổ ích, nâng cao trình độ diễn xuất”, nghệ nhân Trần Văn Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, tâm sự.
Ở các cuộc giao lưu thi tài cấp quốc gia, các đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp và không chuyên Bình Định đã cùng góp phần giữ vững vị thế “đất tuồng”. Liên hoan tác phẩm sân khấu tác giả Tống Phước Phổ tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 9.2015, thu hút 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 14 đoàn tuồng không chuyên trong cả nước tham gia.
Tại Liên hoan, vở diễn “Sao Khuê trời Việt” của Nhà hát tuồng Đào Tấn được ban giám khảo đánh giá là xuất sắc nhất Liên hoan. Các diễn viên tham gia vở diễn này cũng gặt hái thành công với 3 giải Vàng, 3 giải Bạc. Hai đoàn tuồng không chuyên - Trần Quang Diệu và Ánh Dương cũng nỗ lực tham gia Liên hoan, qua đó, khẳng định chất lượng của tuồng không chuyên Bình Định, khi các diễn viên của hai đoàn đã đạt tổng cộng 4 giải Vàng, 4 giải Bạc.
Gần đây nhất, tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, vở diễn “Nước non cửa phật” của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã xuất sắc đạt HCV vở diễn, cùng nhiều dấu ấn thành công diễn viên khi đạt 3 HCV, 2 HCB, cùng 3 diễn viên được tặng bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Từ sự lựa chọn giới thiệu của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã được Ban tổ chức Lễ hội khiêu vũ sôi động Wonju - Hàn Quốc năm 2016 mời tham dự. NSƯT Gia Thiện, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, tâm sự: “Chuyến đi biểu diễn đã kết thúc cách đây hơn một tháng, nhưng các thành viên trong đoàn tham gia vẫn còn nhiều cảm xúc, kỉ niệm. Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu nơi xứ người, các nghệ sĩ của Nhà hát đã tích cực biểu diễn 5 buổi tại sân khấu chính, hoặc ngoài lễ hội đường phố thu hút rất đông người xem. Qua đó, góp phần quảng bá nghệ thuật tuồng Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, để lại ấn tượng đẹp cho khán giả Hàn Quốc”.
Cần được quan tâm hơn
Lực lượng diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn giữ được chất lượng ổn định. Nhưng, phần lớn những người này đều đã xấp xỉ 50 tuổi, thời gian cống hiến sung sức cho nghệ thuật tuồng không còn nhiều, trong khi những năm qua, lực lượng diễn viên trẻ bổ sung rất ít.
Đáng mừng là trong việc gầy dựng lực lượng kế cận, sau những nỗ lực linh hoạt trong phương thức tuyển dụng, đào tạo, Nhà hát tuồng Đào Tấn bắt đầu thu được một số tín hiệu khả quan. Riêng với các đoàn tuồng không chuyên, mối lo về diễn viên đứng tuổi đang tăng dần theo từng năm, nhưng việc làm thế nào để trẻ hóa lực lượng diễn viên đến nay vẫn chưa có “lời giải” do còn thiếu những sự quan tâm, đầu tư cụ thể.
Nghệ nhân Trần Văn Bạn tâm tình: “Các đoàn tuồng không chuyên hiện vẫn nỗ lực duy trì hoạt động biểu diễn, nhưng chúng tôi ai cũng mang nặng nỗi lo thấy trước từ nhiều năm qua. Hầu hết lực lượng diễn viên hiện nay ở các đoàn đều đã đứng tuổi, cố gắng chỉ còn dăm ba năm nữa chắc cũng đến lúc nghỉ. Lực lượng trẻ bổ sung thì hiếm, chỉ có một vài con em nghệ nhân được động viên theo nghề, chủ yếu mới đảm nhận các vai phụ. Muốn kiếm lớp trẻ để tạo nghề cũng rất khó, bởi chưa nói đến việc thích hay không thích, các cháu thấy việc luyện tập, biểu diễn khó và khổ, thu nhập thì bấp bênh như lực lượng diễn viên chúng tôi hiện nay cũng đã thấy ớn không muốn dính vô!”.
Để việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật “Hát bội Bình Định” thực sự mang tính bền vững hơn trong thời gian đến, cần có thêm những hoạt động, sự quan tâm thiết thực mang tính “đầu tiên” trong việc gầy dựng lực lượng kế cận. Thiết nghĩ, các đơn vị chức năng cần quan tâm xây dựng đề án với lộ trình, nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ cụ thể để “tiếp sức” cho các đoàn tuồng không chuyên nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm, đào tạo diễn viên trẻ…
HOÀI THU