Bắt giữ người trái pháp luật: Chuyện tưởng nhỏ, hóa lớn
Những vụ việc bắt giữ người trái pháp luật thường xuất phát từ việc cho vay mượn cá nhân hoặc chỉ là thanh thiếu niên đánh nhau, muốn giải quyết mâu thuẫn.
Mới đây, các cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố, xét xử bị can tên N.T.K.T. (nhà ở đường Diên Hồng, Quy Nhơn) về tội bắt giữ người trái pháp luật với vai trò chủ mưu. Ông T.V.B. (SN 1966, Giám đốc Công ty TNHH B.N, Quy Nhơn) còn nợ bà N.T.K.T. trên 1 tỉ đồng nhưng chưa trả nên bà T. đã thuê một nhóm xã hội đen đòi nợ, mức thù lao sẽ bằng 30% tổng số nợ. Ngày 30.9.2015, khi ông B. cùng một người nữa đến quán nhậu ở phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn để trao đổi việc mua bán nhà theo lời hẹn trên điện thoại thì chủ nợ cùng 5-6 đối tượng khác xăm trổ đầy mình xuất hiện và đã có lời nói, hành vi đe dọa buộc ông B. trả nợ. Sau đó, các đối tượng này khống chế ông B. đưa lên ô tô chở về nhà riêng của ông B. và “giam lỏng” từ ngày 30.9.2015 đến ngày 5.10.2015.
Trước đó, năm 2015, TAND tỉnh cũng đưa ra xét xử một vụ án bắt giữ người trái pháp luật xuất phát từ việc sốt ruột vì chưa đòi được món tiền góp vốn chung. Trong thời gian mua bán dưa hấu chung, bà H.T.N. (Phù Mỹ) đã chuyển cho bà N.T.T.T. tổng cộng 100 triệu đồng góp vốn. Trong quá trình làm ăn, hai bên mâu thuẫn nên bà N. đã bỏ về Phù Mỹ trong lúc hai bên chưa tính lời lãi. Cho rằng bà T. cố tình trốn tránh tính toán việc lời lãi, khi thấy bà T. đang đi xe buýt về Quy Nhơn, bà N. và một người khác đuổi theo bà T. đòi tiền. Khi xe dừng tại trạm xe buýt ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, cả hai đã lên kéo bà T. xuống xe đưa vào công viên gần đó. Sau khi túm tóc, đánh vào mặt bà T. đòi trả 100 triệu đồng đã chuyển, bà N. nhờ người áp giải bà T. ra Phù Mỹ giữ bà T. đến tận 23 giờ cùng ngày, mãi cho đến khi chồng của bà T. đến giao cho bà N. 5 triệu đồng.
Một lãnh đạo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh có lần nhận xét, từ những vụ vay mượn dân sự, thỏa thuận làm ăn với nhau, nhưng nếu chủ nợ thiếu hiểu biết và “manh động” đòi nợ theo những hành vi kể trên thì từ sự việc dân sự thông thường đã chuyển sang hình sự mà đối tượng phạm tội trong vụ án hình sự lại chính là chủ nợ.
Như đầu tháng 9 vừa qua, các cơ quan tố tụng TP Quy Nhơn khởi tố một nhóm thanh niên có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Để giải quyết hết mọi “ân oán giang hồ”, nhóm thanh niên này đã “áp giải” một người tên T. đến quán cà phê để nói chuyện, và cũng có “động tay động chân” chút ít. Sau khi trở về, anh T. đã làm đơn tố cáo với cơ quan CA. Trước đó, tại huyện Tây Sơn, cũng xảy ra một vụ án tương tự giữa hai nhóm thanh niên. Để giải quyết “món nợ cũ” (bị đánh), một thanh niên đã nhờ nhóm bạn của mình đi kiếm kẻ đánh mình để “nói chuyện”. Khi anh này không chịu đi thì nhóm đã dùng vũ lực đe dọa buộc phải đi gặp mặt cho được.
Một lãnh đạo Viện KSND TP Quy Nhơn nhận xét, nhiều thanh niên muốn giải quyết mâu thuẫn cá nhân thông qua con đường “nói chuyện”. Nhưng nếu một bên không muốn mà bên kia dùng vũ lực ép buộc phải đi hoặc giữ người quá lâu theo ý muốn chủ quan của mình, thì coi chừng rất có thể đã phạm vào tội bắt giữ người trái pháp luật.
ANH NGUYỄN