Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em: “Cẩn tắc vô áy náy”
1.
Sự việc thương tâm của bé gái N.N.B.T. (4 tuổi) rơi từ tầng 8 cao ốc Long Thịnh ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Khoảng 7 giờ sáng 23.10, bố T. đi làm sớm, mẹ đi mua cháo cho bé. Không người trông coi, bé T. nhoài ra cửa sổ của căn hộ và bị rơi từ tầng 8 xuống, dẫn đến tử vong. Được biết, cửa sổ là loại cửa lùa, bên trong không có khung bảo vệ; giường ngủ gia đình kê gần cửa sổ.
Cao ốc Long Thịnh - nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm của bé N.N.B.T. vào sáng 23.10. Ảnh: XUÂN VINH
Liên quan đến việc này, chiều 25.10, ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau khi tai nạn xảy ra, ngày 24.10, Sở đã giao Thanh tra Sở và Phòng Quản lý nhà kiểm tra hiện trạng. “Đây là khu chung cư chưa được nghiệm thu, hồ sơ chuẩn bị chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa thể đánh giá cụ thể. Còn về thiết kế chiều cao cửa sổ, ban công khu chung cư, chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra rồi đối chiếu với các quy chuẩn, dựa vào đó sẽ đưa ra yêu cầu, khuyến cáo đối với chủ đầu tư để khắc phục những tồn tại (nếu có), hạn chế tai nạn tương tự có thể xảy ra”- ông Bảo nói.
Thực tế, những vụ tai nạn trẻ em kiểu này ở các khu chung cư cao tầng từng xảy ra không ít, nhất là ở các thành phố lớn. Thi thoảng lại xuất hiện thông tin trẻ bị tử vong do rơi từ cửa sổ, ban công ở các căn hộ cao tầng khi không có người lớn ở nhà; hoặc trẻ cố tình nhoài, rướn người ra cửa sổ, ban công để làm gì đó, dẫn đến mất đà. Trong những trường hợp như vậy, nếu gia đình nâng cao ý thức phòng tránh thương tích cho trẻ bằng việc gia cố thêm khung sắt bảo vệ cửa sổ và ở khu vực lan can, ban công căn hộ của mình, dặn con không được chơi gần khu vực nguy hiểm, thì sẽ hạn chế được những tai nạn kể trên.
2.
Cách đây mấy hôm, tôi vào BVĐK tỉnh chăm con ốm, tình cờ gặp một bệnh nhi người quấn gạc từ bụng xuống dưới đùi. Mẹ cháu, chị N.T.T., ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, kể chuyện: “Cháu bị phỏng do nồi nước đậu xanh. Sáng, tôi đẩy xe nước đậu xanh mới nấu xong xuống trường học để bán. Thằng nhỏ chạy trước, đường đi lại dốc. Tôi vấp chân, đẩy nồi nước đậu lao tới phía trước đè thằng bé. Cả xoong nước đổ ụp xuống bụng con”.
Từng xử lý rất nhiều ca tai nạn trẻ em do trẻ nghịch dại, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BVĐK tỉnh, khuyến cáo: “Trẻ con hiếu động thường táy máy chân tay, đụng cái gì cũng có thể cho vào miệng, vào mũi, vào tai. Hay gặp nhất là trẻ nhét các cục sáp màu, dây thun, hoặc bì ny lon vào lỗ mũi. Nhưng nguy hiểm, đáng sợ nhất là bé vừa ăn vừa khóc, dẫn đến bị sặc thức ăn, hoặc vừa ăn vừa chơi vô tình bị sặc các loại hạt cứng như hạt mãng cầu, hạt đậu phụng. Đã từng xảy ra một số trường hợp trẻ tử vong vì bị nghẹt khí quản”.
3.
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết, nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em “đứng đầu” là đuối nước, sau đó là tai nạn giao thông, cháy nổ, giật điện, bỏng, té ngã. Tuy nhiên, trong tai nạn do té ngã thì trường hợp của bé N.N.B.T. là nặng nề nhất từ trước đến nay. Vì vậy, sắp tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo phụ huynh cũng như đề nghị cơ quan chức năng phối hợp trong công tác quản lý, cũng như tuyên truyền, phòng ngừa thương tích trẻ em về vấn đề này.
Trẻ con vốn hiếu động, chưa ý thức hết sự nguy hiểm. Bởi thế, nếu cha mẹ thiếu quan sát, không cẩn trọng phòng ngừa các tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ, hậu quả sẽ khó lường. Bởi vậy, hãy luôn nằm lòng câu: “Cẩn tắc vô áy náy”.
NGỌC HOA
Các nhà cao tầng thường được thiết kế cửa sổ làm sao để có thể là nơi được cứu nạn hoặc thoát hiểm khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra....Tất nhiên là không phải nhảy ào xuống, mà khi có lực lượng cứu hộ đưa thang lên, hoặc đưa dây đu xuống, thậm chí là nhảy xuống nệm hơi bên dưới....Do đó, khi chủ hộ vào ở, muốn an toàn cho người trong nhà khỏi rớt xuống bên dưới thì thường làm thêm khung chấn song cửa sổ. Theo tôi, việc đó là tốt thôi. Nhưng cần phải lưu ý là đừng làm kiên cố quá bằng sắt, mà nên làm bằng nhôm, hoặc gỗ. Vì nếu có sự cố gì mà cần thoát hiểm bằng cửa sổ, có thể dùng vật cứng đập, phá bỏ từ bên trong được. Chứ nếu làm chắc quá thì e rằng thiệt mạng....Làm gì thì cũng phải cân nhắc, có đường thoát hiểm khi vào thế đường cùng. Các nhà ống ở khu vực thành thị cũng vậy. Cần nghiên cứu có đường thoát hiểm. Bởi thực tế tại các thành phố cho thấy: khi trong nhà ống có hoả hoạn xảy ra, nhất là các nhà không có lầu, khi cháy lớn xảy ra ở phòng ngoài, phòng khách hoặc phòng giữa, khói ngợp...những người ở bên trong, ở phía sau không thoát ra được, vậy là chết. Do đó, phải tính toán, thiết kế sao cho có đường thoát ra....Xin nhắc nhở vậy. Thiết nghĩ cũng không thừa.
“Đây là khu chung cư chưa được nghiệm thu, hồ sơ chuẩn bị chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa thể đánh giá cụ thể. Còn về thiết kế chiều cao cửa sổ, ban công khu chung cư, chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra rồi đối chiếu với các quy chuẩn, dựa vào đó sẽ đưa ra yêu cầu, khuyến cáo đối với chủ đầu tư để khắc phục những tồn tại (nếu có), hạn chế tai nạn tương tự có thể xảy ra”- ông Bảo nói. Chưa nghiệm thu, chưa hoàn thành đang thi công đã cho người mua vào ở. Sai phạm này cần phải xử lý nghiêm. Chủ đầu tư này làm việc rất ì ạch và thiếu trách nhiệm.